Thứ 5, 18/07/2024, 21:30[GMT+7]

Tiếp thêm sức sống cho nghề và làng nghề

Thứ 2, 06/04/2020 | 10:17:30
4,672 lượt xem
Những năm qua, nghề và làng nghề đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh. Dẫu có lúc thăng, lúc trầm nhưng sức sống của nghề và làng nghề vẫn dẻo dai nhờ những cơ chế thúc đẩy phát triển.

Làng nghề mây tre đan xã Thượng Hiền (Kiến Xương) giải quyết việc làm tại chỗ cho gần 2.500 lao động. Ảnh tư liệu.

Thái Bình từ lâu đã được cả nước biết đến với những nghề và làng nghề nổi tiếng: dệt khăn, dệt vải ở Thái Phương, dệt chiếu cói ở Tân Lễ (Hưng Hà); dệt đũi ở Nam Cao, chạm bạc Đồng Xâm, mây tre đan ở Thượng Hiền (Kiến Xương); thêu ở Minh Lãng (Vũ Thư)...

Làng nghề mây tre đan Thượng Hiền (Kiến Xương) hiện có 1.233 hộ tham gia với 2.420 lao động, chiếm 72,24% số lao động của địa phương. Giá trị sản xuất từ làng nghề hàng năm đạt từ 77 tỷ đồng trở lên; riêng năm 2019 giá trị sản xuất đạt 92,4 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2018. 

Ông Tạ Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Thượng Hiền phấn khởi cho biết: Hai năm trở lại đây, nghề và làng nghề phát triển rực rỡ vì có đầu ra ổn định, người dân làm nghề chỉ chuyên tâm sản xuất, tăng năng suất đáp ứng đủ hàng hóa cho các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Có việc làm thường xuyên, thu nhập của người thợ thủ công ở làng nghề Thượng Hiền cũng không ngừng được nâng lên. 

Ông Bùi Công Quý, thôn Trung Quý chia sẻ: Tôi làm nghề hơn 40 năm, trước đây bà con chỉ coi là nghề phụ vì thu nhập thấp, nhưng nay nó trở thành nghề chính vì thu nhập của bà con đạt 3 - 5 triệu đồng/người/tháng nhờ sản phẩm xuất khẩu ra được thị trường nước ngoài cho giá trị cao và làm không hết việc. Điều phấn khởi nhất là chúng tôi sống được với nghề và bảo tồn, phát triển được nghề truyền thống của ông cha để lại.

Không riêng ở Thượng Hiền, các làng nghề mà chúng tôi có dịp tới thăm như làng mộc thôn Thái (Nguyên Xá, Vũ Thư), làng làm bánh đa Me (Tân Hòa, Hưng Hà), làng bánh cáy Nguyễn (Nguyên Xá, Đông Hưng), làng rèn An Tiêm (Thụy Dân, Thái Thụy), làng nghề đan cói Tây An (Tiền Hải)... đời sống của người dân làm nghề ngày càng sung túc. Diện mạo nông thôn ở các làng nghề, xã nghề cũng từng ngày đổi mới với những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, những con đường đến các khu dân cư được mở rộng, bê tông hóa. 

Ông Đoàn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa (Hưng Hà) cho biết: Kinh tế của bà con khá, giàu lên từ nghề nên khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới, nhân dân phấn khởi, tự nguyện góp công, góp của, hiến đất làm đường và xây dựng các công trình thiết chế văn hóa làm cho diện mạo thôn, xóm sáng, xanh, sạch, đẹp.

Người cao tuổi, nghệ nhân nghề là vốn quý giúp các làng nghề phát triển. Ảnh tư liệu 

Sự phát triển của các làng nghề ngoài sự năng động của các hộ làm nghề, tinh hoa tay nghề truyền thống còn phải nhắc tới vai trò của các doanh nghiệp ở mỗi làng nghề. Nhờ các doanh nghiệp này mà sản phẩm làm ra của bà con làng nghề có đầu ra ổn định. Đặc biệt, các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ mới, đưa máy móc vào một số khâu sản xuất giúp năng suất, sản lượng sản phẩm của làng nghề tăng cao, kéo theo thu nhập của người thợ thủ công được nâng lên. 

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Giám đốc Công ty TNHH Khởi Tiếp ở làng nghề mộc thôn Thái (Nguyên Xá, Vũ Thư) cho biết: Trước đây, người thợ thủ công làm hoàn toàn bằng tay nên rất vất vả, năng suất lao động thấp khiến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh trên thị trường. Từ khi chúng tôi đầu tư một số loại máy móc hỗ trợ công nhân từ công đoạn xẻ, cắt, bào đến đục, chạm trổ thì năng suất lao động tăng, chất lượng sản phẩm tinh xảo hơn nên được nhiều khách hàng tin tưởng đặt hàng; thu nhập của công nhân hiện nay đạt 7 - 8 triệu đồng/người/tháng, tăng gấp 3 lần so với trước đây làm thủ công.

Hiện nay, toàn tỉnh có 247 làng nghề đáp ứng đủ tiêu chí, đang hoạt động với 3 nhóm ngành nghề chính: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất, lắp ráp, sửa chữa máy móc, thiết bị, dụng cụ cơ khí, điện, điện tử, tin học. Các làng nghề đang tạo việc làm và thu nhập cho trên 33.600 lao động nông thôn. 

Ông Đặng Đình Chương, Trưởng phòng Công nghiệp, Tiểu thủ công nghiệp (Sở Công Thương) cho biết: Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực làng nghề chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh nội lực của địa phương và chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tích cực. Năm 2019, tổng doanh thu của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đạt 5.065,54 tỷ đồng.

Kinh nghiệm trong duy trì, bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống của tỉnh là quan tâm đến phát triển doanh nghiệp trong làng nghề; gắn phát triển làng nghề với phát triển du lịch, lễ hội; chú trọng xử lý ô nhiễm môi trường trong làng nghề. Triển khai có hiệu quả các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương để giúp các doanh nghiệp, làng nghề phát triển sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, nghề và làng nghề đang đứng trước nhiều thách thức như: cạnh tranh quyết liệt về thị trường; thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo... 

Để giúp nghề và các làng nghề duy trì, phát triển, ngành Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nghề và làng nghề. Theo đó, công tác đào tạo, truyền nghề, dạy nghề được đầu tư đúng mức; tập trung quy hoạch các khu, cụm, điểm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề thuê đất để mở rộng sản xuất. Tỉnh cũng ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề truyền thống được hưởng chính sách ưu đãi như: hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, hỗ trợ san lấp mặt bằng, đào tạo lao động... Tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông nông thôn, trong đó ưu tiên cho tuyến giao thông những nơi có làng nghề truyền thống phát triển. Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề truyền thống; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở làng nghề đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất sạch không gây ô nhiễm môi trường, kết hợp giữa công nghệ tiên tiến với kinh nghiệm cổ truyền để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề. Hỗ trợ làng nghề tiếp cận, tìm kiếm, khai thác mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày