Thứ 2, 08/07/2024, 15:12[GMT+7]

Duy trì sản xuất nghề phụ

Thứ 5, 30/09/2021 | 08:44:53
1,838 lượt xem
Nhờ năng động, nhạy bén du nhập nghề dệt khăn về địa phương, những năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Việt Cường, xã Việt Thuận (Vũ Thư) có thu nhập ổn định. Mặc dù chịu nhiều tác động, khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên chị Hằng đã nỗ lực duy trì nghề phụ, tạo việc làm, thu nhập trước mắt và chờ cơ hội phục hồi sản xuất sau này.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hằng, xã Việt Thuận (Vũ Thư) nỗ lực vượt khó khăn do dịch Covid-19 để duy trì nghề dệt khăn.

Giữa khung cảnh thanh bình của làng quê Việt Thuận, tiếng máy dệt vẫn đều đều. Chị Hằng cho biết: 5 năm trước, tôi tình cờ có dịp thăm làng nghề dệt truyền thống ở xã Thái Phương (Hưng Hà). Nhận thấy nghề thủ công này cho thu nhập ổn định, có thể giải quyết lao động lúc nông nhàn, tôi mạnh dạn tìm tòi, học hỏi, du nhập nghề dệt về quê hương. Tôi cùng 2 người em trai liên kết nhau thành lập tổ hợp sản xuất, tiến hành cải tạo nhà xưởng, đầu tư mua 7 chiếc máy kiếm dệt khăn, lúc cao điểm có 10 chiếc, giá thành mỗi chiếc gần 200 triệu đồng. Tôi và 2 em trực tiếp đảm nhận các khâu sản xuất như nhập nguyên liệu, điều hành máy, xuất hàng.

Chị Hằng nhận gia công đơn hàng dệt từ sợi thành khăn thô. Gia đình chị đầu tư mua ô tô tải để thuận lợi, tiết kiệm chi phí trong khâu vận chuyển, nhập nguyên liệu và xuất trả hàng. Chia sẻ về công việc dệt khăn, chị Hằng cho biết: Máy kiếm dệt khăn chạy tự động, chỉ khi sợi bị đứt mới cần người nối, vì thế tôi và 2 em chia nhau mỗi người phụ trách 2 - 3 máy. Công việc không nặng nhọc, không mất nhiều công sức nhưng cần nhiều thời gian, đòi hỏi lao động phải có tính kiên trì. Ngoài ra, nghề dệt khăn phù hợp với phụ nữ vì công việc không nặng nhọc và chị em có thể tranh thủ thời gian máy chạy để làm việc vặt trong gia đình. Với thời gian hoạt động liên tục từ 16 - 17 tiếng/ngày, mỗi máy cho sản lượng 60 - 70 kg thành phẩm là khăn thô. Trừ chi phí đầu tư, mỗi máy cho thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng. Nhờ có nghề dệt khăn, 3 gia đình trong tổ hợp sản xuất của chị Hằng có thêm nguồn thu từ 20 - 30 triệu đồng/hộ/tháng, góp phần nâng cao đời sống. Thời gian này, dịch Covid-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất của gia đình, tuy nhiên chị Hằng luôn chia sẻ, động viên các thành viên của tổ hợp sản xuất nỗ lực vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.

Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thuận cho biết: Nhờ năng động, nhạy bén, chị Hằng và gia đình đã du nhập nghề phụ về quê hương, tạo việc làm tại chỗ, cho hiệu quả kinh tế khá, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Chị Hằng rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật khi hội viên nông dân của địa phương tới tham quan, học tập mô hình của gia đình chị. Đối với các hộ có điều kiện đầu tư vốn, xây dựng nhà xưởng, nắm chắc kỹ thuật, ổn định đầu vào, đầu ra sản phẩm, chúng tôi khuyến khích các hộ tham khảo, áp dụng mô hình của gia đình chị Hằng nhằm tạo việc làm lúc nông nhàn, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày