Thứ 4, 03/07/2024, 10:05[GMT+7]

Tân Lập: Sôi nổi nghề làm chậu cảnh

Thứ 3, 09/01/2018 | 10:20:15
16,183 lượt xem
Để nâng cao hiệu quả sản xuất chậu cảnh, khuôn chậu cảnh, gia đình anh Căn đầu tư xe nâng, máy tời, ô tô, máy mài… Đến nay, ngoài lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cơ sở sản xuất chậu cảnh và khuôn chậu cảnh của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Những người thợ Tân Lập tạo hình và chỉnh sửa sản phẩm chậu cảnh thô.

Dịp cuối năm, khi các nhà vườn đã chuẩn bị những cây hoa, cây cảnh đẹp nhất để phục vụ thị trường tết cũng là lúc những người thợ ở xã Tân Lập (Vũ Thư) hối hả sản xuất những chiếc chậu cảnh với mẫu mã đa dạng, phong phú.

Cơ sở sản xuất chậu cảnh xi măng của gia đình ông Trần Thanh Trúc, bà Đỗ Thị Sáu, thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập ngày cuối năm dường như cũng hối hả hơn. Những người thợ mải miết với từng công đoạn làm chậu, các sản phẩm thô, hoàn thiện bày la liệt khắp nơi. 

Bà Sáu cho biết: Gia đình tôi làm nghề sản xuất chậu cảnh xi măng từ 20 năm trước. Trước kia, chậu cảnh làm đơn giản hơn, chủ yếu là chậu dáng tròn không có hoa văn, họa tiết, làm bằng khuôn quay. Một số khách hàng đặc biệt đòi hỏi chậu cảnh có mẫu mã, họa tiết trang trí đẹp hoặc dáng chậu vuông thì gia đình thuê thợ đúc khuôn mẫu trên gỗ hoặc ông Trúc tự sáng tạo đắp khuôn bê tông, trải nilon lên để đổ chậu. Nhưng số sản phẩm này không nhiều. 

Những năm gần đây, đòi hỏi của khách hàng về mẫu mã, kiểu dáng chậu cảnh ngày càng cao, đa dạng nên gia đình bà Sáu cũng nhanh chóng tiếp cận. Thay vì chậu quay tròn như trước, giờ đây, gia đình bà sản xuất chủ yếu chậu vuông, lục giác, chậu kỷ, chậu mi ni, bầu dục, chậu in chữ phúc, lộc, thọ, hỷ… với kích thước đa dạng theo yêu cầu của khách hàng. Mẫu mã đẹp hơn, phong phú hơn nhưng việc sản xuất chậu cảnh xi măng khá thuận lợi, năng suất nhờ áp dụng khuôn nhựa cứng, khuôn cao su non để tạo hình sản phẩm. 

Đến nay, với 3 thợ sản xuất chính, mỗi tháng gia đình bà Sáu cung cấp ra thị trường khoảng 200 - 300 sản phẩm, trừ chi phí đầu tư thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng. Chậu cảnh xi măng của gia đình ông Trúc, bà Sáu tiêu thụ dịp gần tết thường không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng.

Nằm trên tuyến đường trục xã Tân Lập, cơ sở sản xuất chậu cảnh và khuôn chậu cảnh của gia đình anh Đỗ Bá Căn có quy mô lớn, rộng vài trăm mét vuông. Tại khu sản xuất chậu cảnh, những người thợ đang cần mẫn, tỉ mỉ với từng công đoạn sản xuất. 

Ông Nguyễn Văn Hạnh, thợ làm chậu chia sẻ: Nguyên liệu để làm nên sản phẩm là sắt, thép, cát, xi măng, hiện nay đã có khuôn định hình mẫu sẵn, tuy nhiên, để làm được một chiếc chậu cảnh xi măng đẹp vẫn đòi hỏi kỹ thuật, bí quyết riêng của người làm nghề. 

Anh Căn cho biết: Mỗi năm cơ sở sản xuất của gia đình tôi tiêu thụ từ 150 - 200 tấn xi măng, sản xuất khoảng 2.000 - 3.000 sản phẩm. Đặc biệt, ngoài làm chậu cảnh xi măng, hơn 10 năm nay, gia đình anh Căn mạnh dạn học hỏi, sản xuất khuôn chậu cảnh bằng vật liệu composite, cao su non để phục vụ sản xuất chậu cảnh của gia đình và các cơ sở khác. 

Khâu sản xuất khuôn đòi hỏi kỹ thuật cao, vì vậy vợ chồng anh Căn thường trực tiếp đảm nhận. Mỗi tháng gia đình anh sản xuất khoảng 20 - 30 bộ khuôn chậu cảnh với đa dạng mẫu mã, hoa văn, kích thước khác nhau. Trung bình mỗi bộ khuôn có giá từ 2 - 3 triệu đồng, những bộ khuôn có kích thước lớn, hoa văn tinh xảo có giá trên 10 triệu đồng/bộ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất chậu cảnh, khuôn chậu cảnh, gia đình anh Căn đầu tư xe nâng, máy tời, ô tô, máy mài… Đến nay, ngoài lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cơ sở sản xuất chậu cảnh và khuôn chậu cảnh của gia đình anh còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Mạnh Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Với đặc thù xã có thế mạnh về trồng hoa, cây cảnh nên nghề làm chậu cảnh xi măng ở Tân Lập hình thành từ hàng chục năm trước, vừa đáp ứng nhu cầu trực tiếp của các gia đình về trồng cây hoa, cây cảnh vừa phục vụ các nhà vườn tại địa phương. Trước kia, khi chậu cảnh còn đòi hỏi đơn giản, xã có rất nhiều hộ tự sản xuất chậu. Nhưng từ ngày chậu cảnh đòi hỏi mẫu mã đẹp, phong phú, chất lượng cao, việc đầu tư sản xuất chậu cảnh lớn hơn thì số hộ sản xuất chậu cảnh giảm đi. Hiện xã chỉ còn 6 - 7 hộ sản xuất mặt hàng này, tuy nhiên, quy mô, hiệu quả sản xuất được nâng cao rõ rệt với hàng chục nghìn sản phẩm mỗi năm. Ngoài cung cấp cho bà con trồng hoa, cây cảnh, bon sai ở địa phương, chậu cảnh xi măng của Tân Lập hiện có mặt và tạo uy tín, ấn tượng với khách hàng ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Hối hả, khẩn trương để kịp những chuyến hàng phục vụ thị trường tết Nguyên đán, những người thợ góp thêm sắc xuân cho làng quê Tân Lập, điểm tô, làm đẹp cho mỗi góc sân, nếp nhà khi tết đến, xuân về.

Quỳnh Lưu


Đỗ Minh Hưng - 5 năm trước

Cho hỏi địa chỉ và số đt của cơ sở này đc ko ạ?

dangvanthuan - 5 năm trước

tôi cũng làm nghề khuôn chậu cảnh - thị trường mẫu mã luôn đổi mới theo tháng và phải luôn cập nhật liên tục cho hợp với thị trường dtdd : 0965018971

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày