Thứ 6, 05/07/2024, 17:36[GMT+7]

Dẻo thơm bánh gai Tân Hòa

Thứ 3, 16/01/2018 | 09:30:24
1,787 lượt xem
Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang đến cũng là lúc người dân Tân Hòa (Vũ Thư) lại tất bật chuẩn bị những chiếc bánh gai dẻo thơm để dâng cúng tổ tiên và cung ứng cho thị trường.

Làm bánh gai đòi hỏi sự cần mẫn và tỉ mỉ.

Những ngày cuối tháng Chạp, dưới trời mưa phùn se lạnh, chúng tôi đến xã Tân Hòa để tìm hiểu về nghề làm bánh gai truyền thống. Thoảng trong gió có mùi hương thơm nồng của gạo nếp mới và đỗ xanh như níu giữ bước chân của bất cứ ai khi đến đây. Nghề làm bánh gai ở Tân Hòa không biết có tự bao giờ. Người làng nói rằng, nghề đã có từ rất lâu đời, cứ cha truyền con nối. Tân Hòa là xã có truyền thống làm bánh gai nhưng để nghề phát triển phải kể đến công lao của bà Nguyễn Thị Thì, thôn Tường An. Bà được người dân nơi đây mệnh danh là “bà tổ của làng nghề” bởi hầu hết chủ cơ sở làm bánh gai nổi tiếng ở xã đều là những người con, người cháu, trực tiếp do bà Thì truyền dạy kinh nghiệm.

Ngôi nhà khang trang, rộng rãi với đầy đủ tiện nghi nằm tại trung tâm xã là cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung do chị Ngô Thị Hồng Nhung làm chủ. Hơn 25 năm trước, vợ chồng chị Nhung chỉ là những người làm thuê cho các hộ dân làm bánh trong xã. Chồng chị đi giao hàng cho các nơi ở thành phố còn chị trực tiếp làm và gói bánh. Sau một thời gian nghiên cứu thị trường, năm 1992, vợ chồng chị quyết định mở cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung. 

Chị Nhung chia sẻ: Làm bánh gai không quá vất vả nhưng đòi hỏi người làm có sự cần mẫn và tỉ mỉ. Phải thường xuyên thức khuya dậy sớm nên nếu không yêu nghề, say nghề thì rất khó giữ được nghề. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi sản xuất được khoảng 3.000 bánh vào mùa đông và 1.000 bánh vào mùa hè. Với giá bán từ 7.000 - 10.000 đồng/chiếc, mỗi tháng gia đình tôi thu lãi từ 10 - 15 triệu đồng. 

Cũng theo chị Nhung, để đáp ứng được thị trường khó tính như hiện nay đòi hỏi bánh gai phải thật sự chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó cũng chính là hai tiêu chí mà cơ sở sản xuất của gia đình chị luôn thực hiện nghiêm ngặt. 

Không chỉ làm giàu cho gia đình, cơ sở sản xuất bánh gai Hoàng Nhung còn tạo việc làm cho 7 lao động trong xã với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng, hầu hết đều là người cao tuổi, hoàn cảnh khó khăn. 

Bà Vũ Thị Vườn, 63 tuổi, thôn Đại Đồng cho biết: Tôi gắn bó với nghề làm bánh gai đến nay đã hơn 20 năm. Công việc này vừa giúp tôi giữ gìn nghề truyền thống vừa kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Gạo nếp - nguyên liệu để làm bánh gai.

Không riêng gia đình chị Nhung mà rất nhiều hộ dân trong xã Tân Hòa làm giàu từ nghề sản xuất bánh gai. Gia đình bà Vũ Thị Lanh trước kia rất khó khăn vì kinh tế chủ yếu dựa vào cấy lúa. Từ khi làm bánh gai, cơ sở sản xuất của gia đình bà giải quyết việc làm cho 3 lao động. Trừ chi phí, mỗi tháng gia đình bà thu lãi gần 10 triệu đồng - một số tiền không nhỏ đối với người nông dân.

Toàn xã Tân Hòa hiện có hơn 10 cơ sở lớn sản xuất bánh gai thu hút gần 100 lao động trong xã, tập trung ở các thôn Tường An, Đại Hội, Nam Bi, Nhật Tân, Đồng Đức. 

Ông Vũ Quang Huy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghề sản xuất bánh gai đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 8,14% (năm 2010) xuống còn 2,3% (năm 2017). Để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục có những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các hộ làm bánh gai.

Dạo một vòng quanh Tân Hòa thời điểm này, bạn sẽ cảm nhận trong gió nồng nàn mùi hương nếp mới, nghe rộn rã âm thanh của những tiếng máy xay gạo, vỡ đỗ, hòa trong tiếng nói cười con trẻ. Hãy nếm một chút bánh gai để cảm nhận vị ngọt thơm vừa thanh vừa đậm của thức quà dung dị, mộc mạc, thảo thơm quyện trong tiết xuân đang về...

 Thu Trang


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày