Thứ 2, 08/07/2024, 14:36[GMT+7]

Phúc Thành: Vắng dần tiếng “cất tứ, cất nhì”

Thứ 2, 08/04/2019 | 08:40:53
2,993 lượt xem
“Cất tứ, cất nhì, tù tì đè ba” hay “cất một đè một, cất một đè bốn”... là những câu truyền nghề quen thuộc ở làng nghề đan lát truyền thống Phúc Thành (Vũ Thư). Trải qua bao thăng trầm, nghề này ít nhiều mai một. Câu “cất tứ, cất nhì” cũng dần vắng ở nơi đây.

Nghề đan lát vẫn thu hút hàng trăm hộ dân Phúc Thành tham gia.

“Nghệ nhân” mây tre đan Lại Hoàng Đạo

Ở tuổi 85, “nghệ nhân” Lại Hoàng Đạo, thôn Phúc Trung Bắc đã gắn bó với nghề đan lát gần 80 năm. Đôi bàn tay gân guốc của ông vẫn cất nan này đè nan kia, dẻo và nhanh nhẹn như tay thiếu nữ. Nhắc đến nghề đan lát, ông Đạo say sưa kể với niềm tự hào của người con Phúc Thành. Không ai rõ nghề đan lát có tự bao giờ ở quê ông. Trong ký ức ông Đạo chỉ nhớ rõ từ đầu thế kỷ trước làng ông đã có nghề đan lát. Ông biết đan từ khi lên 6 - 7 tuổi và đến năm 12 - 13 tuổi đã thành thạo các kiểu đan, có thể tự tay đan và lên cạp được chiếc rổ, rá nhỏ. Giai đoạn này, đời sống người dân vô cùng đói khổ, nhu cầu dùng đồ đan lát không nhiều nhưng nghề đan của làng vẫn duy trì. Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghề đan lát dần thu hút nhiều người dân địa phương tham gia. Đặc biệt, những sản phẩm mây tre đan như gầu tát nước, gầu lấy bùn, rổ, rá, sọt, lồ, thúng, mủng... của người dân Phúc Thành rất có ích trong sản xuất nông nghiệp khi đó. Với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, ông Đạo được bà con coi là “nghệ nhân” đan lát của làng, chuyên làm những sản phẩm khó, hoặc hàng loại đặc biệt. Khách hàng gần xa muốn có đồ đẹp, đều vào nhờ ông Đạo trực tiếp đan. Giờ đây, ông còn là người “truyền lửa” nghề truyền thống cho thế hệ trẻ.

Nghề đan lát nuôi dân làng

Nghề đan lát thịnh vượng nhất ở Phúc Thành kéo dài từ những năm đất nước giải phóng cho đến cách đây khoảng chục năm. Ông Nguyễn Quang Nữu cho biết: Thời kỳ đó, hầu hết các hộ dân ở hai làng Phúc Trung Bắc và Phúc Trung Nam đều làm nghề đan lát, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đan. Thời còn khó khăn, làm nghề đan lát cũng nhiều khổ cực. Tre được vận chuyển từ trên rừng về bằng bè theo đường sông. Mỗi đợt bè về, bà con phải ra sông mua vớt tre, vác về nhà chẻ lạt để đan dần. Mây cũng phải tìm mua ở các chợ lớn quanh vùng để làm dây buộc cạp nong, nia, thúng, mủng... Người làng có câu “cất tứ, cất nhì, tù tì đè bốn” để dạy con cháu cách đan phên thúng, hay “cất một đè một, cất một đè ba” để đan phên của chiếc gầu. Trong đan các tấm phên thì đan phên thúng là khó nhất. Sau khi đan tấm phên, phần vào cạp cho mỗi chiếc rổ, rá, thúng, mủng, dần, sàng đều là phần khó nhất. Khâu này, không chỉ đòi hỏi thợ đan có kỹ thuật tốt mà còn phải có sức khỏe, vì vậy hầu hết là đàn ông đảm nhiệm. Mỗi sản phẩm làm xong, bà con còn tỉ mỉ lấy giấy ráp đánh cho mịn, bóng các thớ tre. Xưa kia, sản phẩm đã hoàn thiện được cho vào 1 cái bếp lò khổng lồ được đắp kín bằng bùn để hun khói, nhằm tạo màu nâu cánh gián đẹp và giữ độ bền cho đồ tre đan... Ông Nữu kể: Chỉ một chút sơ ý trong quá trình hun khói, bếp bị hở là bao nhiêu rổ, rá, thúng, mủng trong lò sẽ cháy toàn bộ và dù rất kỹ càng nhưng hầu như gia đình nào cũng từng bị một lần cháy như thế, cho nên giờ hun khói trở thành kỷ niệm mà bà con vẫn hay kể cho nhau nghe.

Bà Trương Thị Nở, vợ ông Nữu chia sẻ: Làm nghề đan lát tuy rất vất vả nhưng cần cù, chịu khó thì luôn có đồng ra đồng vào. Mấy chục năm trước, các địa phương khác chỉ có sản xuất nông nghiệp, người dân quanh năm túng thiếu. Xã Phúc Thành có nghề đan lát, từ người già đến con trẻ đều có thể tham gia, thêm thu nhập, đời sống người dân không mấy khó khăn. Cũng nhờ nghề đan, người làng Phúc Trung Bắc, Phúc Trung Nam, kể cả con trẻ hầu như không biết la cà, rảnh thì tranh thủ ngồi đan giúp bố mẹ, ông bà. Cứ vài ba nhà tụ họp lại thành một nhóm ngồi đan, vừa ríu rít câu chuyện lại có thêm thu nhập, thêm thắt chi tiêu, con cái học hành.  

Làng nghề thời cạnh tranh

Khoảng 10 năm nay, các sản phẩm công nghiệp sản xuất từ nhựa như rổ, rá, chậu, bao bì... ồ ạt ra đời, cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm mây tre đan, khiến nghề đan lát ở Phúc Thành gặp nhiều khó khăn. Tuy lượng hàng hóa rổ, rá, thúng, sảo, dần, sàng... bằng tre làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đấy, nhưng giá trị sản phẩm thấp nên thu nhập của người làm nghề đan lát cũng thấp. Một thợ đan giỏi, có kỹ thuật tốt và cần cù ngồi đan từ sáng đến tối mới có thu nhập khoảng 50.000 - 70.000 đồng/ngày, còn thông thường chỉ đạt từ 30.000 - 40.000 đồng/người/ngày. Thu nhập hạn chế nên nghề đan ngày càng giảm số hộ, số người làm. Lớp trẻ hầu hết đã làm trong các doanh nghiệp, chỉ còn những người trung niên, cao tuổi gắn bó với nghề.

Năm 2018, xã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tỉnh ngoài liên kết, chuyển giao kỹ thuật đan lồ, sọt xuất khẩu cho người dân Phúc Thành. Đến nay, nhiều hộ đã và đang tham gia đơn hàng đan lồ, sọt xuất khẩu sang thị trường châu Âu, cho thu nhập ổn định và khá hơn. Ông Nguyễn Văn Khâm, thôn Phúc Trung Nam cho biết: Trước kia hai vợ chồng ông đan các sản phẩm mây tre đan truyền thống để bán, thu nhập cả hai người được khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng. Từ năm ngoái đến nay, ông bà chuyển sang đan lồ, sọt xuất khẩu, kỹ thuật đan cũng tương tự như bà con vẫn đan, nhưng không phải chuẩn bị nguyên liệu, chẻ vót nan, mà chỉ việc đan thành sản phẩm, bớt vất vả so với đan lát truyền thống, thu nhập được khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Phúc Thành cho biết: Nghề đan lát truyền thống của xã hiện thu hút 375 hộ dân ở hai thôn Phúc Trung Bắc và Phúc Trung Nam, chiếm 52% số hộ của hai thôn. Mặc dù những năm gần đây nghề này gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn mang lại thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động địa phương. Vì vậy, xã luôn quan tâm, tạo thuận lợi cho bà con phát triển nghề truyền thống bằng cách tạo điều kiện cho các hộ vận chuyển, kinh doanh nguyên liệu tre luồng, thường xuyên tuyên truyền quảng bá sản phẩm làng nghề, tổ chức các đợt dạy nghề mây tre đan cho thanh niên.

Mặc dù lớp người cao tuổi vẫn luôn gắn bó với nghề truyền thống của địa phương nhưng lớp trẻ hiếm người đam mê. Những câu truyền nghề quen thuộc “cất tứ, cất nhì...” ngày càng vắng ở làng nghề đan lát hàng trăm năm tuổi.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày