Thứ 6, 05/07/2024, 13:56[GMT+7]

Công bố báo cáo kiểm toán năm 2012

Thứ 6, 26/07/2013 | 15:14:20
576 lượt xem
Ngày 25-7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức họp báo công bố báo cáo kiểm toán năm 2012 về kết quả KTNN niên độ ngân sách năm 2011.

Ảnh minh họa

Năm 2012, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại 160 đầu mối và kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 tại Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư. Theo kết quả kiểm toán tại các địa phương, KTNN đã kiến nghị tăng thu 209,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế nhà đất. KTNN xác định số nợ đọng thuế tăng thêm là 957,8 tỷ đồng.

 

Ðối với việc sử dụng kinh phí sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức, KTNN đã xác định sử dụng sai nguồn kinh phí hơn 1.840 tỷ đồng; chi hỗ trợ không đúng chế độ, nhiệm vụ chi 41,6 tỷ đồng; chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức 196 tỷ đồng; sử dụng nguồn dự phòng ngân sách sai mục đích 238,6 tỷ đồng; cho vay sai quy định 33 tỷ đồng; tạm ứng sai quy định 1.125 tỷ đồng; cho vay, tạm ứng chậm thu hồi 3.008 tỷ đồng trong khi hằng năm NSNN vẫn phải đi vay và trả lãi. Tình trạng sử dụng nguồn tăng thu và dự toán không đúng quy định vẫn chưa có chuyển biến, vẫn còn sử dụng sai 325 tỷ đồng nguồn tăng thu để chi thường xuyên, mua tài sản, hỗ trợ các đơn vị, chi trả nợ tạm ứng vốn nhàn rỗi của KBNN. Chi chuyển nguồn sai quy định là 103,8 tỷ đồng; chi ứng trước dự toán vượt tỷ lệ quy định khá lớn.

 

Tại buổi họp báo, kết quả kiểm toán tại các DNNN và các tổ chức tài chính, ngân hàng cũng được công bố. Qua kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) năm 2011 của 271 doanh nghiệp thuộc 27 tập đoàn, tổng công ty, công ty (TÐ, TCT) nhà nước, KTNN đã phát hiện tổng nợ phải thu của 27 TÐ, TCT là 54.133 tỷ đồng, nợ phải thu trên tổng tài sản là 20,56% và trên vốn chủ sở hữu là 82,97%. Tổng các khoản đầu tư tài chính của các TÐ, TCT là 25.750 tỷ đồng, tổng nguồn vốn của các TÐ, TCT là 263.288 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn chủ sở hữu là 65.241 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng nguồn vốn), nợ phải trả chiếm 69,94% tổng nguồn vốn, cho thấy các đơn vị hoạt động chủ yếu bằng vốn vay và vốn chiếm dụng. Một số đơn vị thuộc các TÐ, TCT chưa xây dựng đơn giá tiền lương hoặc đã xây dựng nhưng chưa phù hợp, vẫn còn nhiều đơn vị trả lương lãnh đạo DN hàng chục triệu đồng/tháng là chưa hợp lý, chưa tương xứng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

 

Về hạch toán, kê khai thuế và thực hiện nghĩa vụ với NSNN, đa số các doanh nghiệp xác định, kê khai thuế và các khoản phải nộp NSNN chưa đúng.  Do đó, KTNN đã kiến nghị tăng thu 491,5 tỷ đồng. Với các đơn vị kinh doanh xăng dầu, KTNN nhận định, các đơn vị này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý kinh doanh xăng dầu; chính sách điều hành giá bán xăng dầu; việc quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) còn bất cập...

 

Ðối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, kết quả kiểm toán cho thấy, một số đơn vị không bảo đảm một số tỷ lệ an toàn; một số hoạt động của các tổ chức chứa đựng nhiều rủi ro, nguy cơ mất vốn lớn, chưa thực hiện nghiêm nội dung Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

 

Với những kết quả trên, KTNN kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tăng thu hơn 2.184 tỷ đồng, giảm chi hơn 2.458 tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm 957 tỷ đồng, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN 8.858 tỷ đồng, các khoản xử lý khác là 251,8 tỷ đồng... Ðặc  biệt, KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính theo dõi, giám sát chặt chẽ khoản đầu tư 1.021 tỷ đồng của Tổng công ty Ðầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vào Tổng công ty cổ phần Xuất, Nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách và phương thức mua tạm trữ lúa, gạo theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, bảo đảm cho nông dân có lãi 30% trở lên.

Nguồn nhandan.com

  • Từ khóa