Thứ 7, 29/06/2024, 09:04[GMT+7]

Giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - Cú hích cho lĩnh vực lâm, thủy sản

Thứ 5, 20/06/2024 | 23:37:38
549 lượt xem
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Thuỷ sản đạt 3,5 tỷ USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ 6,14 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm đã đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023. Thuỷ sản đạt 3,5 tỷ USD, tăng trên 40%. Gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 6,14 tỷ USD, tăng 23,6%.Với kết quả này, ngành nông nghiệp tiếp tục thể hiện vai trò "trụ đỡ" của nền kinh tế. Tín dụng ưu đãi, lâm thủy sản giữ vững ngành xuất khẩu tỷ USD

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngày 20/02/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xem xét việc nâng quy mô tham gia cho vay Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng để trở thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản và đã nhận được sự đồng thuận của các ngân hàng thương mại. Theo đó, ngày 18/3/2024, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 1813/NHNN-TD chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nâng quy mô/đăng ký tham gia cho vay Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng để trở thành gói 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; các ngân hàng đã hoàn thành việc đăng ký nâng quy mô Chương trình.

Việc thực hiện các giải pháp tín dụng phát triển ngành nông nghiệp nói chung và lĩnh vực lâm sản, thủy sản nói riêng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tăng trưởng, mà còn tạo cơ sở, nền tảng để phát triển ngành lâm sản, thủy sản gắn với phát triển bền vững, phát triển xanh và hàm lượng giá trị công nghệ cao, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: "Chính phủ đã có hai nghị quyết hỗ trợ sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh. Trong đó, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm, thuỷ sản với 74% dành cho ngành thuỷ sản đã tạo điểm nhấn tích cực, hỗ trợ đáng kể cho sự phục hồi của ngành này. Ngày 29/2, Ngân hàng Nhà nước đã nâng quy mô Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng thành 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, sẽ tạo ra cú hích để hỗ trợ cho ngành lâm, thủy sản".

Giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - Cú hích cho lĩnh vực lâm, thủy sản - Ảnh 1.

Ngân hàng Agribank tích cực trong việc giải ngân nguồn vốn ưu đãi hồ trợ doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: "Năm 2023, Agribank đăng ký giải ngân 3.000 tỷ trong gói tín dụng 15.000 tỷ của Ngân hàng Nhà nước cho vay đối với lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất và chế biến lâm, thủy hải sản và đã giải ngân chương trình tín dụng về đích trước hạn. Đến năm 2024, Agribank đã đăng ký thêm 5.000 tỷ, từ mức 3.000 tỷ của năm 2023, lên 8.000 tỷ năm 2024, đến thời điểm này, doanh số giải ngân về cơ bản cũng đã đạt gần hết mức mà chúng tôi đăng ký. Cụ thể đã đạt 6.200 tỷ, dự kiến cuối tháng 6 năm nay Agribank sẽ giải ngân xong toàn bộ 8.000 tỷ đồng của gói tín dụng đăng ký theo chương trình này".

Về thủ tục giải ngân, Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết thêm: "Khi đăng ký vào chương trình tín dụng của năm 2024, chúng tôi đã kịp thời triển khai đến tất cả các chi nhánh. Đồng thời chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, với các Hiệp hội, Hợp tác xã và với các cấp hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để phổ biến về chính sách, về chương trình. Bên cạnh đó Agribank cũng rà soát tất cả các thủ tục hồ sơ, theo đánh giá thì chúng tôi đã tiết giảm được khoảng 20% các bước, các khâu thủ tục trong quy trình xử lý về hồ sơ, đẩy nhanh tốc độ thẩm định phê duyệt tín dụng để thực hiện quy trình đánh giá cấp tín dụng và giải ngân sớm, hỗ trợ vốn kịp thời cho doanh nghiệp, người dân".

"Việc triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản được coi là một trong những giải pháp thiết thực và hiệu quả, góp phần không nhỏ vào việc giúp ngành lâm, thủy sản vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, giữ vị trí nằm trong top 6 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD và đang trên đà phục hồi trong những tháng đầu năm 2024", Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước.

Vẫn còn những rào cản khi tiếp cận nguồn vốn

Giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - Cú hích cho lĩnh vực lâm, thủy sản - Ảnh 2.

Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này.

Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn còn những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận gói vay này, các doanh nghiệp thủy sản, các cơ sở nuôi, bảo quản…. mong chờ được tiếp cận vay vốn lãi suất thấp - phù hợp, cũng như được tiếp cận nhiều hơn vào chương trình gói tín dụng ý nghĩa này.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đề nghị 13 ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành lâm, thuỷ sản cần quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh ngay khi tiếp nối triển khai chương trình. Các ngân hàng cần đơn giản, linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ và điều kiện vay vốn để tỷ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tăng lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27 - 28% như khi triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng để kích cầu tốt hơn.

Với các doanh nghiệp gỗ có đặc thù hàng hóa có thể tồn kho lâu hơn so với các ngành như thủy sản hoặc mặt hàng nông nghiệp là hàng tươi sống. Trước đây, các khoản vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu là 3 - 5 tháng phải đảo vay một lần. Thế nhưng, tồn kho hiện nay không chỉ 3 tháng mà có thể lên tới 6 tháng, nhiều doanh nghiệp gỗ tồn kho trong thời gian dài đang gặp áp lực rất lớn về đảm bảo thời gian đảo các khoản vay này. "Doanh nghiệp đề xuất tăng thời hạn tín dụng cho các khoản vay tăng lên 6 hoặc 9 tháng, mong muốn ngân hàng có cơ chế xét duyệt các khoản vay linh hoạt, tài sản đảm bảo là hàng tồn kho, hoặc cho vay từ khoản phải thu trên đơn hàng. Đồng thời, xem xét tăng tỉ lệ thế chấp của doanh nghiệp", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ đề nghị.

Ở góc độ ngân hàng, việc triển khai cho vay gói hỗ trợ lâm, thủy sản đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai mô hình cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp vẫn còn gặp một số vướng mắc, khó khăn. Điển hình là tại các địa phương chưa có các chính sách đồng bộ trong việc xây dựng chuỗi liên kết, chưa có sự tham gia đủ mạnh của các ngành chức năng. Hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân, doanh nghiệp đầu mối còn phổ biến, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc kiểm soát dòng tiền.

Trước những kiến nghị của doanh nghiệp và ý kiến của các ngân hàng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, "Các ngân hàng phải có thông báo cụ thể, hướng dẫn các điều kiện cho vay đối với gói này. Tăng thêm hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp. Về tài sản thế chấp, ngân hàng phải xác định được dòng tiền của doanh nghiệp, vay để làm gì, bao giờ thu hồi vốn, bao giờ trả nợ vốn vay…".

Đến cuối tháng 3/2024, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục giải ngân cho vay với doanh số lũy kế đạt trên 21.000 tỷ đồng với trên 7.300 lượt khách hàng vay vốn.

"Các ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với ngân hàng trước những nỗi lo về khả năng mất vốn, để giải quyết câu chuyện về tài sản thế chấp, thời gian trả nợ vốn vay…", Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo vtv.vn