Thứ 7, 29/06/2024, 09:06[GMT+7]

Tiền người dân đổ mạnh vào tiết kiệm

Thứ 6, 21/06/2024 | 15:02:56
965 lượt xem
Tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng trong tháng 3/2024 tăng 39.000 tỷ đồng so với tháng trước, và tăng đến 144.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 3/2024, tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt 6,676 triệu tỷ đồng. Số tiền này cao hơn tăng 39.000 tỷ đồng so với tháng trước, và tăng đến 144.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tăng 2,2%). Đây là mức gửi cao kỷ lục từ trước đến nay.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 3/2024 đạt 6,627 triệu tỷ đồng. Mức gửi này dù giảm 3,14% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tiền gửi của các tổ chức kinh tế trong tháng 3 đã tăng đến 147.000 tỷ đồng so với tháng trước.

Sự biến động mạnh của các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản… được xem lý do cho xu hướng người dân, doanh nghiệp tăng gửi tiết kiệm dù lãi suất huy động duy trì ở mức thấp. Dòng tiền đổ vào ngân hàng có thể sẽ còn tăng khi mà lãi suất huy động có xu hướng tăng trong thời gian gần đây.

Tiền người dân đổ mạnh vào tiết kiệm - Ảnh 1.

Tính đến cuối tháng 3/2024, tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng đạt 6,676 triệu tỷ đồng

Theo thống kê từ đầu tháng 5/2024 đã có loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, Viet A Bank, và ABBank.

Kể từ đầu tháng 6 trở lại đây đã có 16 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm. Trong đó có 2 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm 2 lần. Tháng 5, mức lãi suất tiết kiệm 6%/năm chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi tiết kiệm với số tiền quy mô hàng trăm tỷ đến hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện tại, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thông thường ghi nhận nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi về mốc 6%/năm. Một số ngân hàng cũng dành ưu đãi cộng thêm lãi suất tiết kiệm đối với khách hàng gửi tiết kiệm online.

Bên cạnh lãi suất tiết kiệm thông thường, một số ngân hàng áp dụng chính sách "lãi suất đặc biệt" với mức lãi suất hấp dẫn lên tới 9,5%/năm.

Động thái điều chỉnh lãi suất tiết kiệm của các nhà băng, theo chuyên gia, nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua. Tính toán từ đầu năm, kim loại quý ghi nhận tỷ suất sinh lời trên 22%, trong khi tiền gửi tiết kiệm (kỳ hạn 12 tháng) chỉ khoảng 1,5%.

Báo cáo mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023. Về định hướng điều hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo sự hài hòa giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng công bố công khai lãi suất cho vay bình quân.

Theo vtv.vn