Thứ 2, 08/07/2024, 16:55[GMT+7]

Đông Hưng quản lý di tích gắn với hoạt động tổ chức lễ hội

Thứ 6, 14/09/2018 | 08:27:50
3,029 lượt xem
Huyện Đông Hưng hiện có 439 di tích đình, đền, từ, miếu phủ; trong đó, 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 107 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Hàng năm, trên địa bàn có 70 lễ hội chính được tổ chức, chủ yếu vào các tiết xuân thu. Thời gian qua, huyện đã có nhiều cố gắng, nỗ lực huy động sức dân trùng tu, tôn tạo các di tích đồng thời tăng cường quản lý các hoạt động tổ chức lễ hội, góp phần đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của các tầng lớp nhân dân.

Nghi lễ tắm Phật tại chùa Kim Quý (Đông Sơn).

Trong các di tích được xếp hạng của huyện có 13 di tích thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật, còn lại là di tích lịch sử văn hóa. Một số di tích hàng năm có lượng du khách lớn về lễ hội, tri ân như lễ hội chùa Thiên Quý (Đông Xuân), chùa Thiên Phú (Đông Hoàng), làng Giắng (Đông Tân), đình, chùa Phủ Gạch (Đông Xá)... 

Để quản lý di tích, tổ chức tốt các hoạt động lễ hội, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy các giá trị của di tích, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích và lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản liên quan. Tổ chức hội nghị triển khai Luật Di sản văn hóa, tập huấn các văn bản quy định về quản lý di sản và tổ chức lễ hội cho cán bộ chuyên ngành ở cơ sở. Nhờ vậy, các di tích lịch sử đã được chính quyền địa phương và nhân dân chú trọng bảo vệ, trùng tu, tôn tạo, nâng cấp, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đồng chí Bùi Bá Vường, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hầu hết các xã, thị trấn của huyện đã chủ động xây dựng phương án bảo vệ, phục hồi các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để làm phong phú thêm các hoạt động lễ hội, kiện toàn ban quản lý di tích. Từ sự cố cháy ngôi đình cổ Lưu Xá ở xã Đông Phương, các địa phương đã tăng cường đầu tư phương tiện cần thiết, lắp hệ thống báo động, camera, các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, gia cố lại hệ thống cửa để phòng, chống trộm cắp hiện vật cũng như hỏa hoạn. 

Đồng chí Nguyễn Thanh Khuyến, Chủ tịch UBND xã Hồng Việt cho biết: Là một trong những xã có nhiều di tích được xếp hạng nhất huyện với 2 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo các di tích được xã đặc biệt quan tâm. Ban quản lý di tích đã đầu tư mua các thiết bị trợ giúp bảo vệ an ninh, gia cố cửa, bảo quản cổ vật nên chưa từng để xảy ra mất tài sản hay hỏa hoạn.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, những năm qua, từ nguồn huy động nhân dân đóng góp, hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước và của địa phương, năm 2017, toàn huyện đã có hàng chục di tích được trùng tu, tôn tạo với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhiều xã như Đông Động, Đông Xuân, Hồng Châu... đã huy động nhân dân và khách thập phương ủng hộ từ 1 tỷ đồng đến vài chục tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích, góp phần tạo điều kiện cho nhân dân địa phương và khách tham quan hiểu sâu hơn về giá trị văn hóa và lịch sử mảnh đất và con người nơi đây. 

Ông Khổng Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết: Xã Đông Xuân có 2 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh. Năm 2017, được tỉnh, huyện hỗ trợ trên 1,8 tỷ đồng, nhân dân và khách thập phương dâng cúng hàng chục tỷ đồng, đặc biệt, đình Quán kêu gọi xã hội hóa được trên 12 tỷ đồng, xã đã đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích gắn với tổ chức lễ hội phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân.

Nhiều người khi đến Đông Hưng đều đánh giá cao giá trị lịch sử văn hóa của các di tích bởi nó gắn liền với những lễ hội độc đáo, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, phản ánh đặc trưng cuộc sống, sinh hoạt của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua các di tích - lễ hội, mỗi năm có hàng nghìn du khách thập phương đến với Đông Hưng. Và cũng chính từ các lễ hội truyền thống đã tạo sợi dây gắn kết các cá nhân trong cộng đồng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh nông thôn.

Để tăng cường công tác quản lý di tích và lễ hội trên địa bàn, thời gian tới, huyện Đông Hưng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản văn hóa gắn với tổ chức các lễ hội theo đúng quy định của pháp luật và nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Huy động nguồn lực xã hội hóa kết hợp với sự hỗ trợ của nhà nước phục chế, sửa chữa những di tích xuống cấp nghiêm trọng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giải quyết tốt các tranh chấp nơi thờ tự.

Thu Hiền