Thứ 2, 08/07/2024, 12:54[GMT+7]

Những phụ nữ làm giàu từ VAC

Thứ 6, 28/06/2013 | 08:11:44
2,267 lượt xem
Từ năm 1986, mô hình phát triển kinh tế VAC được một số hộ nông dân trong tỉnh áp dụng cho hiệu quả kinh tế cao, đạt thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng 2 vụ lúa/năm trên cùng một diện tích. Điều đó chứng tỏ chủ trương của Đảng, Nhà nước khuyến khích người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hoàn toàn đúng đắn. Có lẽ vì thế mà trong số hơn 50 cán bộ, hội viên phụ nữ tiêu biểu làm kinh tế giỏi được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh biểu dương vào cuối tháng 6 này có tới 40 chị

Đàn lợn nái siêu nạc của gia đình chị Trần Thị Hoa, xã Hợp Tiến (Đông Hưng).

Chị Trần Thị Cúc, thôn Đồng Phú, xã Độc Lập (Hưng Hà) là một trong số đó. Năm 2004, khi UBND xã Độc Lập quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản ven đê, chị Cúc bàn với chồng đấu thầu 3,2 mẫu đầm để đào ao thả cá, xây chuồng trại nuôi lợn, gà, vịt, trồng cây cảnh, chuối trong vườn. Hai năm đầu do thiếu kinh nghiệm, bờ ao chưa được xây dựng kiên cố dẫn đến bị thua lỗ. Nhưng chị vẫn động viên chồng: "Thất bại là mẹ thành công", đồng thời không ngừng nâng cao kiến thức về chăn nuôi, mạnh dạn vay vốn tín chấp thông qua Hội Phụ nữ để chuyển ruộng thành ao, làm bờ vững chắc, xây thêm chuồng trại. Hiện gia đình chị có 3 ao cá rộng 9.300 m2; 300 m2 chuồng trại nuôi 30 - 50 lợn thịt, 25 lợn rừng cùng hàng trăm vịt và gà đẻ; mỗi năm thu lãi từ 150 – 160 triệu đồng. Sau gần 10 năm làm kinh tế VAC, chị Cúc khẳng định: "Đây là một mô hình khép kín, có thể tận dụng được tất cả mọi thứ nên hiệu quả kinh tế cao". Cùng với phát triển kinh tế, chị luôn dành thời gian chăm sóc gia đình, tham gia công tác xã hội, nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa".

"Đối với người nông dân, nếu ruộng, vườn cấy lúa, trồng cây kém hiệu quả thì tốt nhất là chuyển đổi để phát triển kinh tế VAC. Mô hình này giúp giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt thích hợp với phụ nữ, nhất là phụ nữ có con nhỏ”, chị Đặng Thị Hoa, thôn Tân Tiến, xã Hợp Tiến (Đông Hưng) chia sẻ. Đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan về một thời gian, chị Hoa sinh thêm em bé. Vừa muốn phát triển kinh tế nhưng vẫn có nhiều thời gian chăm sóc chồng con, chị đã dùng số tiền tích cóp được của gia đình đấu thầu 3.000 m2 đất chua trũng để đầu tư đào 1.000 m2 ao thả cá, xây 300 m2 chuồng nuôi gà, ngan, vịt, 600 m2  chuồng nuôi lợn nái siêu nạc và lợn thịt, diện tích còn lại trồng chè, rau màu, cây cảnh. Mỗi năm chị Hoa thu 600 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi để có thể làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. 

Ở xã Vũ Chính, Thành phố Thái Bình, nhiều gia đình sống bằng nghề trồng lúa và hoa nhưng chị Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Trấn Tây lại chủ động chuyển đổi đất ruộng của gia đình sang đào 1 ha ao nuôi cá, 8.000 con gà thịt, 500 m2 vườn trồng rau màu. Qua đó không chỉ tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn giải quyết việc làm ổn định với mức lương 3 triệu đồng/tháng cho 4 lao động. Mỗi năm trừ chi phí, chị Nguyệt lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ phát triển vườn, ao, chuồng, chị Nguyệt xây dựng được nhà cửa khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đồng thời có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học. Gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Chị cho rằng: "Phát triển kinh tế VAC góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường và giúp tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống".

Chồng mất sớm, một mình bươn chải nhưng để thoát nghèo, có tiền nuôi 2 con ăn học, chị Trần Thị Thanh, xã Vũ Tiến (Vũ Thư) không ngại khó, ngại khổ nhận chuyển đổi 1,1 mẫu ruộng để thả cá, nuôi 300 vịt đẻ, 500 gà các loại và 90 lợn thịt, quanh bờ trồng chuối, cây cảnh, rau màu... Một mình không quán xuyến hết việc, chị phải thuê thêm người làm. Nguồn thu từ 150 – 200 triệu đồng/năm của gia đình chị chủ yếu từ mô hình kinh tế này. Theo chị, mô hình không chỉ giúp làm giàu bền vững, chị em không phải đi làm xa nhà mà còn giảm áp lực di cư của người dân nông thôn vào thành phố”.

Đầu năm 2012, chị Đặng Thị Chinh, thôn Trưng Vương, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) mới bắt tay vào xây dựng trang trại chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín và thả cá. Lợn, cá đang sinh trưởng tốt thì bị bão số 8 tàn phá, gây thiệt hại không nhỏ nhưng cuối năm chị vẫn thu lãi lớn: 700 triệu đồng. 10 lao động làm việc trong trang trại của chị thu nhập 3 triệu đồng/tháng...

Phát triển kinh tế VAC từ lâu đã trở thành mô hình hiệu quả để người nông dân nói chung, chị em phụ nữ nói riêng xóa nghèo, làm giàu, góp phần  thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày