Thứ 2, 08/07/2024, 13:34[GMT+7]

Vươn lên làm giàu từ nghề cơ khí

Thứ 4, 17/07/2013 | 08:28:30
10,128 lượt xem
Nhắc đến cái tên Nguyễn Đồng Hạnh, hầu hết người dân ven biển ở Thái Thụy đều biết anh là thợ sửa chữa, sản xuất các thiết bị cơ khí phục vụ tàu thuyền. Từ hai bàn tay trắng, sau gần 30 năm gắn bó với nghề, đến nay anh đã là chủ doanh nghiệp thu nhập mỗi năm hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Xưởng cơ khí của Nguyễn Đồng Hạnh tạo việc làm cho nhiều lao động.

Nguyễn Đồng Hạnh chia sẻ: Sinh ra ở miền quê biển Thụy Hải, ngay từ nhỏ anh phải vất vả bươn trải để lo cho cuộc sống. Suốt thời thanh niên đến khi lập gia đình trong anh luôn ấp ủ, nung nấu suy nghĩ phải tự mình vươn lên làm nghề gì đó để bảo đảm cuộc sống ổn định trong tương lai. Anh mạnh dạn thử sức ở nhiều lĩnh vực: làm hàng thủ công mỹ nghệ, sản xuất kinh doanh đồ gỗ, buôn bán… thành công cũng có, khó khăn, thất bại cũng không ít nhưng những việc này đều không ổn định.

Năm 1993, anh Hạnh nhận thấy vùng quê biển Thái Thụy có hàng trăm tàu thuyền đánh bắt, thu mua hải sản. Sau mỗi chuyến ra khơi, động cơ bị nhiễm mặn hỏng nhiều, nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền của ngư dân rất lớn, trong vùng lại chưa có người làm nên anh quyết định mở xưởng cơ khí sửa chữa tàu thuyền, phục vụ dịch vụ hậu cần nghề cá. Ban đầu, công việc khá khó khăn do vốn ít, trong khi kinh phí đầu tư mua các trang thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu lớn, mặt bằng sản xuất lại không có nên anh phải tận dụng nhà ở làm xưởng sản xuất. Chỉ với một vài loại máy móc thô sơ: tiện, khoan, hàn… nhưng hễ ngư dân cần sửa chữa, làm thiết bị gì anh đều sẵn sàng phục vụ bất kể ngày hay đêm. Tiếng lành đồn xa, xưởng cơ khí Quang Hạnh được nhiều người biết đến, quy mô sản xuất được mở rộng thu hút khoảng 10 lao động tham gia.

Năm 2009, thị trường vận tải cũng như nhu cầu đóng tàu phát triển mạnh, anh mạnh dạn  thành lập Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ cơ khí Quang Hạnh. Không chỉ sửa chữa tàu thuyền, các loại máy cơ khí, tự chế tạo, lắp ráp được tất cả các chi tiết máy móc cho một con tàu có công suất nhỏ ra khơi Công ty còn liên kết sản xuất các thiết bị chuyên dùng cho ngành đóng tàu biển trọng tải lớn; những công cụ, dàn máy tự động phục vụ chế biến hải sản.

Anh chia sẻ: Ngư dân đi biển phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, trong đó tàu thuyền chính là phương tiện bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho họ nên trong công việc mình không được cẩu thả cho dù làm chi tiết nhỏ nhất vẫn phải bảo đảm chất lượng, uy tín cho sản phẩm. Trong quá trình làm nghề, Nguyễn Đồng Hạnh luôn quan sát, học hỏi, tìm tòi, cải tiến và sản xuất những sản phẩm không chỉ bảo đảm về chất lượng mà còn phù hợp, tiện ích giúp cho ngư dân tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất như: máy bơm chống mặn và không bị ăn mòn bằng Inox, trục chân vịt, máy đánh nhớt sứa, công cụ chà vảy cá...

Đặc biệt, năm 2012 sau khi nghe người cháu mô tả về máy hấp, tách vỏ don của Trung Quốc, anh Hạnh đã mày mò, cải tiến, sau 1 tháng đã sáng chế ra nồi hơi hấp don theo cách riêng của mình, công suất hấp tăng gấp 10 lần so với máy của Trung Quốc. Hiện nay, anh Hạnh đã cung ứng ra thị trường 3 sản phẩm nồi hơi. Trong đó, một cơ sở chế biến hải sản ở Thụy Hải mạnh dạn ứng dụng, trung bình mỗi ngày thu mua, tách vỏ từ 20 đến 25 tấn don, phần ruột đóng gói xuất sang Trung Quốc, không chỉ góp phần tăng thu nhập cho ngư dân mà còn mở ra hướng đi mới cho nghề chế biến hải sản ở Thái Thụy.

Ngoài xưởng cơ khí, anh Hạnh còn duy trì một xưởng làm đá lạnh công suất 3 tấn/ngày, liên kết với một số người nuôi 10 ha ngao. Luôn nỗ lực với nghề, sản xuất và phục vụ những gì ngư dân cần nên những năm qua dù ngành đóng tàu, vận tải biển, cơ khí gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở tạm ngừng hoạt động nhưng doanh nghiệp của Nguyễn Đồng Hạnh vẫn trụ vững. Đến nay, anh đã đầu tư mua sắm nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại với tổng giá trị khoảng 6 tỷ đồng để phục vụ sản xuất. Khách hàng tìm đến doanh nghiệp đặt hàng ngày một đông, thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở khu vực Thái Thụy mà còn mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố. 2 xưởng sản xuất luôn hoạt động hết công suất, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu của doanh nghiệp mỗi năm đạt từ 4 đến 5 tỷ đồng và hoàn thành mọi nghĩa vụ đóng góp với Nhà nước. Anh Hạnh cho biết thêm: Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến ra nhiều máy móc thiết bị mang lại tiện ích cho ngư dân đi biển và người làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp hiện nay là mặt bằng sản xuất chỉ có 800 m2 rất chật hẹp, khó tiếp cận với nguồn vốn vay của ngân hàng nên đề nghị các cấp, các ngành giúp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Bài, ảnh: Nguyễn Hình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày