Thứ 2, 08/07/2024, 12:53[GMT+7]

CCB, thương binh Nguyễn Song Hào Năng động, tiên phong làm kinh tế 

Thứ 6, 19/07/2013 | 10:02:33
1,377 lượt xem
Theo chân Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương) Trương Văn Thăng, chúng tôi tới thăm gia đình ông Nguyễn Song Hào, khu phố Cộng Hòa - một trong những hội viên gương mẫu, năng động đi đầu trong phong trào thương - bệnh binh làm kinh tế giỏi.

Cựu chiến binh Nguyễn Song Hào thu hoạch hoa hòe trên vùng đất chuyển đổi của gia đình.

Trong trang phục giản dị, ông Hào đang nhanh tay thu hoạch những chùm hoa hòe sai trĩu – thành quả từ mô hình VAC của gia đình. Vẫn thoăn thoắt làm công việc của mình, ông tâm sự: Năm 1977, khi vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ  tham gia bảo vệ biên giới Tây Namon>. Mặc dù bị thương nhưng ông vẫn tình nguyện tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia. Ông vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi đang làm nhiệm vụ tại nước bạn năm 1980. Đến năm 1983, ông chuyển về công tác tại tỉnh Tiền Giang. Năm 1986, do sức khỏe yếu ông được cơ quan cho về phục viên tại địa phương với độ giám định thương tật là thương binh 2/4, mất 71% sức lao động.

Rời quân ngũ trở về, ông lập gia đình và tham gia công tác tại địa phương với chức vụ Đội trưởng Đội chăn nuôi cá ở Hợp tác xã Tán Thuật (nay là Thị trấn Thanh Nê). Sau khi Hợp tác xã giải thể năm 1989, ông cũng “thất nghiệp”.  Lúc này với đồng lương trợ cấp ít ỏi, con còn nhỏ nên gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Năm 1990, qua nghiên cứu thị trường, ông thấy trong huyện chưa có cửa hàng tư nhân nào kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng. Tận dụng lợi thế nhà mặt phố, ông huy động nguồn vốn bằng mọi cách từ vay mượn, thậm chí bán cả những đồ vật có giá trị trong gia đình để mở cửa hàng buôn bán sắt, thép, xi măng… Cửa hàng ngày càng phát triển, được đồng lãi nào ông lại tiếp tục đầu tư cho mặt hàng thiết bị trang trí nội thất cao cấp. Với phương châm kinh doanh lấy uy tín làm đầu, cửa hàng không chỉ phục vụ cho bà con trong Thị trấn mà người dân từ các xã lân cận trong huyện cũng tìm đến. Nhờ đó, lợi nhuận mỗi năm đạt trên 200 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, năm 2000 ông  mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ gần 1 mẫu cấy lúa kém hiệu quả của gia đình sang đào ao thả cá, chăn nuôi và trồng cây. Với kinh nghiệm nhiều năm công tác ở Hợp tác xã, ông đã nuôi thả các giống cá nước ngọt truyền thống như: trôi, chép, mè. Đồng thời, xây dựng chuồng trại nuôi gần 500 con gà, 1.000 con vịt và 20 đôi chim bồ câu bố mẹ. Nhận thấy cây hòe có giá trị kinh tế cao, hơn nữa kỹ thuật trồng, chăm sóc đơn giản, ông đã trồng 40 cây hòe quanh ao cá. Sau 2 năm, cây bắt đầu cho thu hoạch, nhưng hiện tại giá hoa hòe rất thấp, chỉ khoảng 20.000 đồng/kg. Nhiều người đã phá hòe thay thế bằng các cây khác, còn ông vẫn quyết tâm giữ lại vườn hòe. Theo ông tuy giá trị thấp nhưng với số lượng nhiều, cây hòe vẫn mang lại nguồn thu nhập cao hơn cấy lúa. Mỗi năm, gia đình ông thu từ cây hòe gần 50 triệu đồng và 70 triệu đồng từ chăn nuôi.

Lao động sản xuất giỏi kết hợp với đầu tư kinh doanh đúng hướng, hàng năm gia đình ông Hào có thu nhập vài trăm triệu đồng. Đến nay ông đã có cơ ngơi là 2 căn nhà cao tầng khang trang, với đầy đủ tiện nghi, 2 con đều trưởng thành. Bản thân ông luôn tích cực tham gia các phong trào của Hội Cựu chiến binh và luôn được đánh giá là tấm gương điển hình “thương binh tàn nhưng không phế”.

Bài, ảnh: Thanh Huyền

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày