Thứ 2, 08/07/2024, 13:29[GMT+7]

Ông Lương Văn Đậng Một trong những thương binh làm kinh tế giỏi

Thứ 6, 19/07/2013 | 10:07:47
1,338 lượt xem
Mặc dù hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế của những thương binh ở xã Kim Trung không phải cao nhưng với sự dũng cảm, tinh thần lạc quan, dám nghĩ dám làm, họ đã tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống của những người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới, từng bước ổn định kinh tế gia đình, góp phần nhỏ bé vào quá trình phát triển của quê hương.

Ông Lương Văn Đậng chăm sóc đàn thỏ của gia đình.

Đến Kim Trung (Hưng Hà), chúng tôi được đồng chí Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã dẫn đi thăm những thương binh dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn trong việc chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế, đưa cây mới, con mới vào nuôi trồng, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Là một chiến sĩ từng tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, sau khi chiến tranh kết thúc, ông Lương Văn Đậng (thôn Kim Sơn 2) trở về địa phương với thương tật hạng 3/4.  Trong suy nghĩ của ông không có việc chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước mà phải tìm những hướng đi mới để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2011, khi tình hình chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn, nhận thấy chi phí cho việc nuôi thỏ thấp trong khi giá thành ổn định, ông Đậng quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, mua giống thỏ có chất lượng tốt về nuôi. Những ngày đầu vì thiếu kinh nghiệm, việc chăn nuôi của ông gặp không ít khó khăn, thỏ chết nhiều, nhưng không vì thế mà ông chịu bỏ cuộc. Cùng với việc thường xuyên học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, đến nay đàn thỏ của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt. Với hơn 20 con thỏ đẻ, vài chục con thỏ nuôi thịt, mỗi tháng trừ chi phí gia đình ông thu lãi từ 4 - 6 triệu đồng.

Từ khi Nhà nước có chủ trương chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế theo mô hình VAC, ông Hà Văn Tin, thương binh hạng 3/4 ở thôn Lập Bái bàn với vợ chuyển toàn bộ diện tích ruộng cơ bản của gia đình  nhận vùng “đồng trắng nước trong, cỏ mọc lởm chởm” để đào ao thả cá, xây dựng trang trại nuôi gà, vịt, trồng chè, đu đủ... Ý tưởng vừa đưa ra đã gặp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình bởi ông Tin thường xuyên đau yếu. Nhưng với ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm của một chiến sĩ đã trải qua bom đạn chiến tranh, ông Tin tiếp tục động viên gia đình và dần nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Đến nay, trên vùng đất không trồng cấy được gì đã hình thành gần 5 sào ao nuôi cá, 3 sào vườn với gần 300 gốc chè, vài chục cây đu đủ, rau các loại, chuồng gà với hơn 200 con..., mỗi năm cho thu nhập từ 50 - 70 triệu đồng.

Hai năm trước, khi keo lai được giá, ông Lương Văn Thắng, thương binh hạng 4/4 (thôn Kim Sơn 1) lặn lội lên Thái Nguyên mua 1.200 gốc keo về trồng trên 5 sào đất chuyển đổi. Đến nay, vườn keo của ông sinh trưởng tốt. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thắng cho biết: Keo lai 10 năm sau khi trồng mới cho thu hoạch, từ bây giờ đến lúc đó thực sự không thể biết “thắng, thua” thế nào, nhưng trước mắt cỏ trong vườn keo là nguồn thức ăn tự nhiên thường xuyên cho đàn vịt đẻ, cung cấp trứng cho bữa ăn của các cháu Trường Mầm non của xã. Nuôi vịt thả vườn, hạn chế được dịch bệnh, trứng sạch, sắp tới với 1,2 mẫu ao và 5 sào vườn keo, ông dự kiến sẽ mở rộng thêm đàn vịt nuôi.

Mặc dù hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế của những thương binh ở xã Kim Trung không phải cao nhưng với sự dũng cảm, tinh thần lạc quan, dám nghĩ dám làm, họ đã tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống của những người lính Cụ Hồ trên mặt trận mới, từng bước ổn định kinh tế gia đình, góp phần nhỏ bé vào quá trình phát triển của quê hương.

Bài, ảnh: Vũ Hường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày