Thứ 2, 08/07/2024, 13:11[GMT+7]

Nuôi giun quế giúp thoát nghèo

Thứ 4, 24/07/2013 | 10:53:54
15,152 lượt xem
Từ thành công mô hình nuôi bò - giun - lươn, anh Hòa dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng thêm bể nuôi lươn trên cạn để giảm chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ tính cần cù, năng động, sáng tạo, từ hộ nghèo gia đình anh đã vươn lên làm ăn khá giả; có điều kiện đầu tư cho con cái học hành.

Anh Vũ Văn Hòa kiểm tra sự phát triển của đàn giun quế.

Hiện nay, ở Hưng Hà xuất hiện mô hình nuôi bò – giun – lươn khép kín. Đó là nuôi bò để lấy phân, sử dụng phân bò làm thức ăn cho giun, lấy giun để nuôi lươn thương phẩm. Chuyện tưởng như lạ nhưng đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm cho gia đình anh Vũ Văn Hòa, xóm 12, thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn. Mô hình của anh thu hút đông đảo người dân trong tỉnh và các địa phương khác tới tham quan, học hỏi.

Sau chục năm lăn lộn khắp nơi làm nghề phụ hồ, công việc nặng nhọc mà thu nhập bấp bênh, anh Hòa quyết định về quê tìm hướng đi mới cho phát triển kinh tế. Sau những đắn đo ban đầu, anh quyết định đầu tư nuôi bò. Năm 2009, anh đầu tư mua 10 con bò về nuôi, nhưng trong quá trình nuôi chất thải của bò gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh. Để xử lý chất thải của bò, anh tìm hiểu thông tin trên Internet và nhận thấy mô hình nuôi giun quế rất phù hợp, có thể giúp tận dụng chất thải của trâu, bò, rơm rạ hoai mục làm thức ăn cho giun quế. Cuối năm 2010, qua sự giới thiệu của bạn bè, anh Hòa đầu tư 10 triệu đồng mua 50 kg giun quế ở huyện Đông Anh (Hà Nội) về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, anh chỉ nuôi giun quế trong các chậu cảnh, thùng xốp để lấy giun làm thức ăn cho gà, vịt. Sau nhận thấy nuôi giun quế cho thu nhập ổn định, anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi giun quế.

Đến nay, mô hình nuôi giun của anh Hòa có tổng diện tích hơn 200 m2. Trung bình sau khoảng 1,5 tháng gia đình anh lại thu hoạch giun quế một lần, mỗi lần thu hoạch đạt từ 6 tạ đến hơn 1 tấn, giá giun thương phẩm hiện tại trên 100.000 đồng/kg. Giun quế ngoài việc bán cho người chăn nuôi gà vịt, anh Hòa còn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, chất thải và thức ăn thừa của giun  bán cho các gia đình để bón cho cây trồng, cải tạo nền ao. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi giun, anh Hòa cho biết: “Giun quế rất dễ nuôi, ít bệnh tật, chi phí đầu tư thấp phù hợp với bà con nông dân. Khi làm chuồng nuôi, bà con nên chú ý làm nền dốc, dễ thoát nước, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp”. Ngoài việc bán giun thương phẩm, gia đình anh còn cung cấp giun giống cho người dân địa phương. Tiếng lành đồn xa, khách hàng từ các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang… tìm đến tận gia đình anh để học hỏi kinh nghiệm nuôi và mua giun giống.

Với lợi thế chủ động được nguồn thức ăn cho lươn từ giun quế, anh Hoà tiếp tục đầu tư xây dựng 90 m2 lồng, nuôi hơn 4.500 con lươn. Mỗi năm cho thu hoạch gần 1 tấn lươn thương phẩm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Từ thành công mô hình nuôi bò - giun - lươn,  anh Hòa dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư xây dựng thêm bể nuôi lươn trên cạn để giảm chi phí đầu tư, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nhờ tính cần cù, năng động, sáng tạo, từ hộ nghèo gia đình anh đã vươn lên làm ăn khá giả; có điều kiện đầu tư cho con cái học hành.

Bài, ảnh: Phạm Hưng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày