Thứ 2, 08/07/2024, 13:59[GMT+7]

Nghị lực vượt khó làm giàu của một thương binh

Thứ 6, 26/07/2013 | 10:36:40
2,327 lượt xem
Đến thăm gia đình cựu chiến binh (CCB) Phạm Văn Trọng ở xã Thái Phúc (Thái Thụy), đứng trước cơ ngơi rộng rãi, khang trang, tôi không khỏi ngạc nhiên trước nghị lực của người thương binh hạng 1/4.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo khó, học hết phổ thông, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, anh thanh niên Phạm Văn Trọng lên đường nhập ngũ. Tháng 10 năm 1970, vượt đường Trường Sơn ngàn dặm, anh chuyển vào chiến đấu tại chiến trường miền Namon>. “Năm  1973, tôi bị thương trong trận tập kích xe địch ở Tây Ninh. Sau khi được cứu chữa, mạng sống vẫn còn nhưng một cánh tay đã mất đi, sức khỏe giảm sút. Nhờ có đồng đội động viên, tận tình giúp đỡ, tôi đã vượt qua nỗi đau và có thêm niềm tin trong cuộc sống”. CCB Phạm Văn Trọng nhớ lại.

Năm 1976, sau khi được giải quyết chính sách với mức thương tật 1/4, ông trở về quê nhà, lập gia đình với bà Hoàng Thị Toàn và bắt đầu cuộc sống mới. Để lo cho cuộc sống gia đình những năm sau chiến tranh với người khỏe mạnh còn khó khăn huống chi với người chỉ còn một tay như ông. Vốn là con nhà nông, ông hiểu rằng nếu chỉ trông cậy vào cày cấy mấy sào ruộng thì không thể thoát nghèo. Bản chất của người lính Cụ Hồ khiến ông luôn suy nghĩ phải làm sao để phát triển được kinh tế gia đình. Năm 1980, được UBND xã cho đấu thầu 500 m2 bến bãi, ông chuyển sang kinh doanh cát, đá phục vụ các công trình xây dựng. Nhớ lại những ngày khởi đầu với bao gian truân, vất vả, ông không thể nào quên được những buổi mưa dầm gió bấc hay những trưa hè oi ả, hai vợ chồng cặm cụi xúc từng xẻng cát, đá mỗi khi thuyền về bến. Nhà neo người, con còn thơ dại, ông bà vừa làm vừa động viên nhau gắng vượt qua. Năm 1985, cùng với số tiền tích góp được, ông vay thêm vốn từ Quỹ Tín dụng nhân dân xã đầu tư mua máy xúc và các trang thiết bị phục vụ công việc, đồng thời vận động người thân tham gia làm cùng. Cứ thế từng bước một, cơ sở kinh doanh của ông ngày càng  thu hút nhiều lao động trong vùng đến làm việc.

Hiện nay, cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng của ông tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động với mức thu nhập bình quân 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Công việc thuận lợi, cuộc sống đủ đầy, song hạnh phúc lớn nhất của gia đình ông là sự trưởng thành của các con.

Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, thương binh Phạm Văn Trọng còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. Nghị lực vượt khó vươn lên của ông là tấm gương sáng trong thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thu Trang

(Sinh viên thực tập)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày