Thứ 2, 08/07/2024, 13:27[GMT+7]

Người tìm hướng đi mới cho chiếu cói Quang Lịch

Thứ 4, 21/08/2013 | 10:58:54
2,244 lượt xem
Đó là anh Nguyễn Tiến Duật, thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch (Kiến Xương). Không đành lòng nhìn nghề dệt chiếu cói truyền thống của địa phương bị mai một, anh Duật tiên phong tìm cách truyền sức sống mới cho nghề dệt cói của cha ông, giải quyết việc làm cho hàng nghìn người dân lúc nông nhàn, giúp họ nâng cao đời sống.

Cơ sở sản xuất đệm cói xuất khẩu của gia đình anh Nguyễn Tiến Duật.

Tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán, biết bao cơ hội mở ra trước mắt nhưng với quyết tâm làm giàu cho quê hương, lưu giữ và tiếp lửa cho ngành nghề truyền thống của địa phương, anh Duật đã quyết định trở về quê, tìm cách vực lại nghề truyền thống đang dần mai một. Anh Duật cho biết: Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm cói với các sản phẩm chủ yếu là chiếu cói.

Đặc biệt Quang Lịch từ xa xưa đã nổi tiếng với thương hiệu chiếu cói Thanh Quang bởi tinh hoa của những đôi bàn tay khéo léo trong từng đường dệt. Những năm 90 trở về trước, chiếu cói Quang Lịch khá phát triển, sản phẩm làm ra phần lớn xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Nghề dệt  chiếu cói đã mang lại miếng cơm manh áo, là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương. Tuy nhiên, từ những năm 90 trở lại đây cùng với nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác, chiếu cói Thanh Quang mất dần thị trường xuất khẩu truyền thống, “thoi thóp” với thị trường trong nước.

 Không đành lòng nhìn nghề truyền thống của địa phương mai một, gia đình anh đã lặn lội khắp nơi tìm hướng đi mới cho cây cói, đó là làm đệm ghế cói. Vượt qua những khó khăn ban đầu về vốn, mặt bằng sản xuất, dạy nghề, đầu ra cho sản phẩm…, được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, ngành, chính quyền và đặc biệt là người dân địa phương, cơ sở của gia đình anh đã từng bước vượt qua khó khăn, đi vào sản xuất ổn định. Mỗi năm, cơ sở của gia đình anh xuất đi khoảng 200.000 sản phẩm với doanh thu gần 4 tỷ đồng.

Anh Duật cho biết thêm: Cơ sở  sản xuất các sản phẩm thô, bán cho các công ty, doanh nghiệp gia công rồi mới xuất sang nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chính là các nước Tây Âu. Mẫu mã đa dạng, luôn cải tiến vì thế đầu ra sản phẩm ổn định. Ngoài cơ sở sản xuất tại gia đình, còn có 10 cơ sở vệ tinh nằm rải rác trong xã, huyện và các huyện lân cận: Đông Hưng, Quỳnh Phụ. Mỗi cơ sở vệ tinh có từ 50 – 100 lao động với thu nhập đạt từ 1,8 – 2 triệu đồng/người/tháng. Anh Phạm Văn Tú, cán bộ khuyến công xã Quang Lịch cho biết: Cùng với các cơ sở chế biến hương xuất khẩu, mộc, mây tre đan, xây dựng, cơ sở đan đệm cói của gia đình anh Duật đã giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động trong xã, giúp bà con nâng cao thu nhập.

Chia sẻ về hướng đi của mình trong thời gian tới, anh Duật cho biết: Anh dự định quay lại sản xuất mặt hàng truyền thống: chiếu cói và một số sản phẩm khác theo nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất trong khi đó việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khó khăn, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề vẫn còn hạn chế.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày