Thứ 2, 08/07/2024, 13:57[GMT+7]

Người mở đường cho phương pháp thụ tinh nhân tạo nhân giống lợn

Chủ nhật, 01/09/2013 | 09:27:15
2,605 lượt xem
Nhận thấy phương pháp phối giống trực tiếp truyền thống trong chăn nuôi lợn của bà con mất nhiều thời gian, công sức, tiền của mà khả năng chọn được con giống tốt lại thấp, ông Nguyễn Hữu An, thôn An Cơ Bắc, xã Thanh Tân (Kiến Xương) đã mạnh dạn áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo vào phát triển đàn lợn ở địa phương.

Đàn lợn con của gia đình chị Bùi Thị Hoa, xã Vũ Sơn kết quả áp dụng phương pháp TTNT.

Từ khi còn làm kỹ sư, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông An đã nhận ra phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) có vai trò rất quan trọng trong việc nhân giống lợn, góp phần cải tạo chất lượng đàn lợn giống nên cứ rảnh rỗi lúc nào là ông lại đọc sách để nghiên cứu. Nhưng phải đến năm 1994, được nghỉ hưu trở về quê ông mới có điều kiện thực hành.

Vốn liếng trong nhà có bao nhiêu ông dồn cả vào việc xây các ô chuồng lợn và mua lợn giống. Để có con đực giống tốt, phù hợp xu hướng giống của tỉnh, ông tìm mua ở tận cơ sở sản xuất giống có uy tín. Ông An cho biết: mỗi con lợn đực giống giá hơn 10 triệu đồng, mua về còn phải mất một năm nuôi và huấn luyện mới có thể đưa vào quy trình sản xuất giống bằng phương pháp TTNT. Để có tinh lợn đực giống tốt phải bảo đảm đúng chế độ ăn uống cho từng con: 2 kg cám công nghiệp loại chuyên dành cho lợn đực giống/ngày, bổ sung thêm bột cá 2 lạng/ngày, mắm khô, trứng gà, sinh tố E (sinh tố kích thích sinh sản). Chuồng nuôi phải sạch sẽ, thoáng mát, trời nắng tắm 2 lần/ngày, trời lạnh giữ đủ ấm, tiêm phòng đủ các loại bệnh theo định kỳ nhưng tốt nhất là tiêm vào mùa xuân và mùa thu. 4 - 5 năm thay lợn đực giống một lần.

Công nghệ TTNT bao gồm nhiều khâu: huấn luyện lợn đực giống, thu vắt tinh, pha chế tinh dịch, phối giống cho lợn nái. Vất vả và lắm công phu như vậy nhưng vì muốn bà con chăn nuôi đạt hiệu quả cao, không bị thiệt hại do dịch bệnh, người đàn ông nhỏ nhắn, tóc đã điểm bạc được mọi người tôn là “bậc thầy về sản xuất tinh dịch, phối giống lợn” hàng ngày vẫn tỉ mỉ, cẩn thận trong từng khâu.

Những ngày đầu, để thay đổi thói quen của các hộ nuôi lợn nái trong xã, ông An đến từng nhà giảng giải về lợi ích của phương pháp TTNT. Khi bà con chấp nhận, ông đến từng nhà hướng dẫn cách lựa chọn thời điểm thích hợp và các bước TTNT cho lợn. Vài ba bận họ làm quen thì tới nhà ông mua tinh dịch lợn về tự thụ tinh cho lợn nái của nhà. Ông còn phối hợp với Trung tâm Học tập cộng đồng xã Thanh Tân mở nhiều lớp dạy phương pháp TTNT nhân giống lợn cho hàng trăm lượt người. Sau một thời gian, không chỉ hộ nuôi 1 – 2 lợn nái ở xã Thanh Tân, các xã lân cận mà nhiều chủ trang trại nuôi lợn nái dù đã có lợn đực nuôi lấy giống trong chuồng vẫn tìm đến nhà ông An mua tinh dịch lợn về phối giống.

Chị Bùi Thị Hoa, xã Vũ Sơn nuôi 3 lợn nái từ lâu đã trở thành khách hàng thường xuyên của ông An. Sau nhiều năm mua tinh dịch lợn do ông An sản xuất về phối giống cho lợn nái của gia đình, chị Hoa nhận thấy: Đàn lợn con sinh ra phát triển nhanh, đồng đều, khả năng phòng, chống dịch bệnh cao, chi phí chăn nuôi giảm…

Thanh Tân có gần 300 lợn nái. Nếu phối giống bằng phương pháp truyền thống mỗi lần mất 100.000 đồng/con; nếu sử dụng phương pháp TTNT của ông An chỉ mất 20.000 đồng/liều/con. Một con lợn đực giống mỗi lần thu vắt tinh được 40 liều. Vì thế hiệu quả kinh tế do TTNT mang lại cả cho người nuôi lợn nái và người nuôi lợn đực giống rất lớn. Mỗi năm, ông An thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc nuôi lợn đực giống. Cơ sở của ông còn giúp 4 - 5 người trong xã có việc làm ổn định, thu nhập cao. Công việc của họ rất đơn giản: buổi sáng đến nhà ông An mua tinh dịch lợn rồi mang tới các hộ nuôi lợn nái thụ tinh nhân tạo giúp họ.

Ông Trần Bá Chửng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh Tân khẳng định: Dù tuổi cao nhưng với tinh thần hăng say, không ngừng sáng tạo trong lao động, cơ sở sản xuất tinh dịch lợn của ông An đã trở thành địa chỉ tin cậy về TTNT nhân giống lợn của Thanh Tân và các xã lân cận, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi lợn của địa phương.  

Những đóng góp của ông Nguyễn Hữu An với sự phát triển kinh tế, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi lợn đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen, UBND huyện Kiến Xương khen thưởng và chứng nhận gương “Sản xuất, kinh doanh giỏi”.

Bài, ảnh: Thu Hiền

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày