Thứ 2, 08/07/2024, 12:20[GMT+7]

Những con người giàu nghị lực sống

Thứ 4, 25/09/2013 | 08:50:00
2,356 lượt xem
Người bình thường làm kinh tế với xuất phát điểm là hai bàn tay trắng đã khó, với vợ chồng khuyết tật thì lại càng khó hơn. Không nản chí trước khó khăn, bằng sức mạnh của tình yêu, của niềm khát khao hạnh phúc, họ đã xây dựng nên cơ đồ mà nhiều người ao ước.

Chị Phạm Thị Hoàn hướng dẫn người lao động kỹ thuật may hàng xuất khẩu.

Dù đôi chân của chị không được lành lặn như người bình thường, tấm lưng của anh có cong vẹo bởi di chứng của lần sốt cao nhưng trong gia đình ấy luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Tình yêu và niềm tin vào cuộc sống đã giúp họ vượt lên tất cả. Anh chị đã chiến thắng tật nguyền, không chỉ có với nhau một người con chăm ngoan, học giỏi mà còn sở hữu cửa hàng may thời trang và một xưởng may hàng xuất khẩu trị giá hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động (trong đó 60% lao động là người khuyết tật) với mức thu nhập bình quân gần 2 triệu đồng/người/tháng. Được gặp và trò chuyện mới thấy họ giàu nghị lực và tình cảm đến nhường nào.

 

Hỏi thăm đường vào nhà anh Trần Văn Lẫm và chị Phạm Thị Hoàn, người dân xã Tân Hòa (Vũ Thư) ai cũng biết, bởi đó là đôi vợ chồng đã vượt lên chiến thắng tật nguyền. Hơi ngạc nhiên khi có người lạ hỏi thăm nhưng với nụ cười rạng rỡ, chị Hoàn tiếp chúng tôi rất nồng hậu và chân thành. Chị bắt đầu kể về con đường khởi nghiệp của gia đình như lật giở cuốn truyện nhiều cảm xúc nhưng cũng lắm nỗi truân chuyên: “Sinh ra vốn lành lặn như người bình thường nhưng sau một trận ốm “thập tử nhất sinh” chân trái của chị bị teo dần và mắc di chứng bại liệt. Thời gian đầu, chị rất mặc cảm về bản thân nhưng sau đó nhờ sự động viên của gia đình, chị tham gia vào Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật của tỉnh. Chị học nghề may và mở cửa hàng may thời trang lập nghiệp. Tình yêu sớm chớm nở khi chị gặp anh - một người đàn ông trách nhiệm, năng động, nhiệt tình trong các hoạt động của Câu lạc bộ. Có chung sự đồng cảm, họ quyết định đến với nhau sau 2 năm tìm hiểu và một gia đình nhỏ ra đời.

 

Người bình thường làm kinh tế với xuất phát điểm là hai bàn tay trắng đã khó, với vợ chồng khuyết tật thì lại càng khó hơn. Không nản chí trước khó khăn, bằng sức mạnh của tình yêu, của niềm khát khao hạnh phúc, họ đã xây dựng nên cơ đồ mà nhiều người ao ước. Ban đầu tài sản của gia đình chỉ là một cửa hàng may thời trang mà chị đã tạo dựng từ trước nhưng sau khi có nhiều người khuyết tật tìm đến xin học may, với tấm lòng của mình, anh chị quyết định mở xưởng để có thể dạy và tạo việc làm cho những người cùng cảnh ngộ. Anh chị nghĩ rằng: “Người ta có khó khăn nên mới tìm đến mình vì đơn giản có cùng hoàn cảnh mới hiểu và thông cảm được cho nhau”.

 

Từ suy nghĩ ấy, ai tìm đến anh chị cũng tiếp nhận, dạy đến khi thạo việc, có thể tự mở được cửa hàng riêng mới thôi. Những trường hợp khuyết tật vận động, khó khăn về vốn, anh chị đều nhận làm ở xưởng để có thêm thu nhập. “Dạy nghề cho người khuyết tật phải rất nhiệt tình, tâm huyết; đây là công việc mất nhiều thời gian, công sức bởi có những em bị câm, điếc hay thiểu năng trí tuệ, đôi khi vừa nói xong có em đã quên, trả các em lại gia đình thì không nỡ” - đôi mắt chị rơm rớm nước, nét mặt thoáng buồn khi kể về những khó khăn trong việc dạy nghề. Dù vậy, vợ chồng chị vẫn biểu lộ quyết tâm: “Con đường mình đã chọn và gắn bó nên mình sẽ quyết tâm đến cùng, dù khó khăn mấy cũng không chùn bước”. Và cho đến bây giờ, những nỗ lực không ngừng ấy đã được đền đáp khi mặt hàng “cạp bao tay” của gia đình chị được thị trường Hàn Quốc đón nhận, gửi đơn đặt hàng thường xuyên; cửa hàng may thời trang đã trở nên danh tiếng trong khu vực được nhiều người tìm đến và cô con gái rất nhanh nhẹn, thông minh, chăm ngoan, học giỏi.

 

Anh chị tâm sự với chúng tôi: “Hiện nay vẫn có rất nhiều người khuyết tật tìm đến, quy mô xưởng cũ không đáp ứng được nên muốn mở rộng xưởng để có thể tiếp nhận nhiều người có cảnh ngộ như mình, giúp đỡ được nhiều em hơn nữa. Nhưng khó khăn ở chỗ không có điều kiện thuê và mua đất. Rất mong chính quyền địa phương tạo điều kiện để có thể thuê đất mở xưởng, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ em mồ côi tỉnh quan tâm để có thể nâng cao tay nghề giúp người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng”.

 

Chúng tôi ra về với lòng cảm phục những con người đầy nghị lực và niềm hy vọng những trăn trở của anh Lẫm, chị Hoàn sẽ sớm được các cấp, các ngành quan tâm, giải quyết.

Bài, ảnh: Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày