Thứ 2, 08/07/2024, 12:08[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

Thứ 6, 18/10/2013 | 08:45:14
11,266 lượt xem
Với sự nhạy bén, sáng tạo trong công việc cùng với ý chí quyết tâm làm giàu trên chính diện tích đất vườn của gia đình, chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa (Thành phố Thái Bình) đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.

Chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Nghĩa Thắng, xã Đông Hòa chăm sóc đàn gà giống mới nở.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang, chị Xuân kể: Vợ chồng chị kết hôn từ năm 1990, cuộc sống gia đình những ngày đầu gặp nhiều khó khăn, vất vả. Hai vợ chồng phải bươn trải nhiều nghề nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống và chi phí ăn học cho con cái. Nhận thức được chỉ làm ruộng thì không thể thoát nghèo, chị Xuân đầu tư chăn nuôi.

Thời gian đầu ít vốn, chị nuôi 5 - 10 con lợn và hơn 100 con gà. Khi đã tích lũy được kinh nghiệm và vốn, chị đầu tư xây dựng 300 m2 làm chuồng trại  nuôi 50 - 60 con lợn và 400 - 500 con gà thương phẩm. Nhờ chăn nuôi, gia đình chị có của ăn, của để. Cùng với số tiền tích góp được, chị mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín chấp của Hội Phụ nữ cải tạo và đào thêm 3 ao nuôi cá thương phẩm các loại như: trôi, trắm, chép… Tận dụng mặt nước, chị nuôi ngan, vịt.

Năm 2003, chị Xuân chuyển sang nuôi gà ri lai đẻ và đầu tư mua máy ấp trứng bán gà giống. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục  liên kết với Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) cung  cấp gà giống và gà thương phẩm cho nhân dân trong tỉnh. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị cung cấp 10.000 - 12.000 con gà giống cho gia đình tự ấp bán, cung cấp 6.000 - 10.000 con gà giống, gà thương phẩm cho các đại lý đặt mua từ Trung tâm Nghiên cứu và Huấn luyện chăn nuôi Vạn Phúc. Thêm vào đó, chuồng trại của gia đình chị luôn duy trì khoảng 1.000 - 1.500 con gà đẻ, 500 con vịt và hơn 450 con ngan thương phẩm, 3 ao cá cho thu hoạch từ 10 - 15 tấn cá/ năm. Trừ chi phí, mô hình cho thu lãi trên 150 triệu đồng/năm. 

Chị Xuân chia sẻ: “Xác định chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, vì vậy tôi dồn hết công sức và tâm huyết vào đó. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn không chán nản, bỏ cuộc. Ban đầu, khi đưa giống gà ri lai về nuôi thử nghiệm và cung cấp cho thị trường Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn. Gà ri lai là giống mới, giá thành lại cao hơn so với các giống gà thường nên người dân không ai mua dù tôi đã thuyết phục bằng nhiều cách. Để chứng minh hiệu quả và chất lượng của gà ri lai, ngoài việc đưa số lượng lớn vào chăn nuôi, tôi còn gửi giống ở nhiều đại lý với cam kết đến lúc thu hoạch mới thu tiền.

Khi tạo lập được thị trường và lòng tin của người dân thì việc cung cấp giống dễ dàng, công việc cũng thuận lợi và phát triển”. Theo chị Xuân, để chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững thì công tác phòng và trị bệnh là điều hết sức quan trọng. Ngoài việc vệ sinh chuồng trại, tạo môi trường thoáng mát gia đình chị còn luôn chủ động phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Trước khi xuất bán gà giống, chị báo thú y viên của xã về tiêm phòng dịch, bảo đảm an toàn cho đàn gà, vịt của gia đình và giúp đàn gà giống sinh trưởng, phát triển tốt.

Chị Hà Thị Hường, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Nghĩa Thắng nhận xét: Chăn nuôi gặp không ít khó khăn, nhất là vài năm trở lại đây, chi phí chăn nuôi cao, giá cả bấp bênh, dịch bệnh nhiều nhưng chị Nguyễn Thị Xuân luôn quyết tâm khắc phục và trụ vững, vươn lên làm giàu. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Xuân còn giúp đỡ, hướng dẫn, chia sẻ nhiều kinh nghiệm quý báu trong xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho nhiều người dân đến học hỏi làm theo; tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, gia đình chị đang xây dựng lại hệ thống chuồng trại khép kín với diện tích 400 m2 với dự định sử dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải vật nuôi, vừa đỡ tốn thời gian vệ sinh chuồng trại hàng ngày, vừa góp phần bảo vệ môi trường. 

Bích Liễu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày