Thứ 2, 08/07/2024, 11:54[GMT+7]

Chuyện làm giàu của cựu chiến binh Bùi Ngọc Phán

Thứ 5, 24/10/2013 | 08:54:33
5,603 lượt xem
Là một hội viên điển hình làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Vũ Lễ (Kiến Xương), CCB Bùi Ngọc Phán đang sở hữu một cơ ngơi mà nhiều người thầm mơ ước cùng với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Không có hoa hồng, trên con đường làm giàu của người chiến sĩ năm xưa chỉ có những giọt mồ hôi cùng bước chân kiên cường, để giờ đây, hoa đã nở.

Bác Phán làm việc bên cạnh máy giặt bao xi măng.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông của thôn Đông Chú, xã Vũ Lễ, cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, tháng 11/1978, chàng trai trẻ Bùi Ngọc Phán lên đường nhập ngũ làm tròn nghĩa vụ với quê hương đất nước. Tháng 6/1982, bác Phán xuất ngũ trở về quê nhà. Người lính cựu vẫn còn nhớ như in những ngày tháng khó khăn, cả gia đình phải lo chạy ăn từng bữa. Rồi 2 đứa con lần lượt ra đời, gánh nặng kinh tế đổ dồn lên đôi vai của người chủ gia đình. Bác Phán tâm sự: “Dẫu vẫn biết “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, nhưng thu nhập từ công việc Đội trưởng Đội cày Hợp tác xã không đủ để tôi lo cho gia đình. Vì vậy, ngoài thời gian làm việc cho Hợp tác xã, tôi tranh thủ làm thêm đủ mọi nghề. Quá trình bôn ba đã giúp bác Phán học hỏi được nhiều kinh nghiệm kinh doanh.

 

Trong quá trình chở cám đi bán ở Thái Thụy, Tiền Hải, nhìn thấy nhiều điểm thu mua phế liệu có thu mua các loại bao cũ về sơ chế. Sau một thời gian tìm hiểu công nghệ, đầu ra của sản phẩm, năm 2006, từ nguồn vốn ít ỏi của gia đình và vay mượn thêm, bác Phán mở xưởng sơ chế bao PV. Đây chính là bước ngoặt quan trọng trên con đường làm giàu của người lính cựu. Quy trình sơ chế bao PV được bắt đầu từ khâu thu gom các loại bao từ đại lý, sau đó tiến hành phân loại (dẻo, khô, bao dứa…) rồi phơi khô, đóng gói, xuất đi. Riêng vỏ bao xi măng sẽ được tuột đầu bao, giặt trắng.

 

Để tăng năng suất, năm 2008, gia đình đầu tư 1 máy giặt bao xi măng trị giá 500 triệu đồng. Hiện nay, cơ sở của bác Phán đang cung cấp sản phẩm cho nhiều đầu mối trên cả nước, trong đó tập trung cho một số đầu mối ở Như Quỳnh (Hưng Yên). Nhìn vào những chiếc bao thải loại không mấy ai nghĩ rằng có thể làm giàu từ chúng. Nhưng thực tế mỗi năm cơ sở sản xuất đem lại cho gia đình bác Phán gần 150 triệu đồng tiền lãi. Từ số tiền tích góp được, bác Phán đầu tư mua 3 xe tải, vừa phục vụ việc vận chuyển hàng hóa của gia đình đồng thời kinh doanh luôn dịch vụ vận tải. Tính sơ sơ, mỗi năm, dịch vụ này mang lại trên 200 triệu đồng. Hiện tại bác Phán còn sở hữu một gia trại nhỏ cùng hơn 1 mẫu ruộng trồng lúa và các loại cây hoa màu, mỗi năm cho thu nhập trên 50 triệu đồng.

 

Nhận xét về hội viên Bùi Ngọc Phán, bác Đoàn Quang Trùy, Chủ tịch Hội CCB xã Vũ Lễ cho biết: “Không chỉ giỏi phát triển kinh tế, bác Phán còn là một hội viên gương mẫu, nhiệt tình với công tác Hội, luôn đi đầu trong các hoạt động quyên góp, ủng hộ của địa phương. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, bác đã vận động anh em, con cháu trong gia đình tham gia, hưởng ứng nhiệt tình. Nhằm hướng tới phát triển kinh tế bền vững, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, gia đình bác đã xây hố lắng để chứa và xử lý nước giặt bao từ máy giặt chứ không thải trực tiếp ra môi trường. Có thể nói, đây là một tấm gương điển hình, xứng đáng để mọi người học tập”.

Anh Đào

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày