Thứ 2, 08/07/2024, 11:46[GMT+7]

Bí thư Đoàn xã làm kinh tế giỏi

Thứ 6, 25/10/2013 | 09:47:28
1,622 lượt xem
Đi lên từ hai bàn tay trắng, với ý chí, tinh thần học hỏi và nghị lực phấn đấu không ngừng, Bí thư Đoàn xã Dân Chủ Phạm Hữu Trường đã khẳng định sức trẻ ngay trên chính mảnh đất quê hương, xứng đáng là tấm gương trong học tập và lao động để nhiều người noi theo.

Cơ sở may của anh Phạm Hữu Trường - Bí thư Đoàn xã Dân Chủ (Hưng Hà).

Chúng tôi đến cơ sở may Trường Giang khi hơn 20 công nhân đang miệt mài sản xuất những chiếc áo khoác đồng phục học sinh để kịp giao hàng theo đúng hợp đồng với Trường dân tộc nội trú tỉnh Sơn La. “Hơn 10 năm nhiệt tình tham gia công tác Đoàn ở địa phương, anh đã góp phần xây dựng Đoàn Thanh niên xã trở thành một trong những cơ sở đoàn vững mạnh, đồng thời còn là một ông chủ trẻ được nhiều đoàn viên thanh niên ngưỡng mộ bởi nghị lực và ý chí quyết tâm lập nghiệp tại quê hương” - đó là nhận xét của Bí thư Huyện đoàn Hưng Hà Phạm Văn Soi về chủ cơ sở may Trường Giang - đoàn viên Phạm Hữu Trường (thôn Hà Tiến, xã Dân Chủ, Hưng Hà).

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, có lẽ vì thế mà Phạm Hữu Trường đã sớm nuôi dưỡng ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân và cho gia đình. Sau khi rời quân ngũ, anh trở về quê hương với những hoài bão, ước mơ của tuổi trẻ. Song không phải ước mơ nào cũng có thể thực hiện, nhất là với “con nhà nghèo” như anh. Trường tâm sự: “Bôn ba khắp nơi, làm đủ thứ nghề vất vả nhưng ngoảnh đi, ngoảnh lại tiền chẳng có là bao mà sự nghiệp lâu dài thì không xây dựng được. Do có ít kinh nghiệm về may mặc trong thời gian làm maketting ở Công ty May 10 (Hà Nội) cộng với suy nghĩ “không gì bằng được khởi nghiệp ở nơi chôn rau cắt rốn” nên tôi quyết định trở về và lập nghiệp ngay tại mảnh đất quê hương”.

Với số vốn ít ỏi tự có, Phạm Hữu Trường xoay sở vay mượn thêm của  anh em, bạn bè được hơn 400 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng và mua một dây chuyền máy may khép kín gồm 20 máy. Buổi đầu khởi nghiệp không ít khó khăn, đặc biệt là về vốn cũng như kỹ thuật, khiến nhiều khi ông chủ trẻ cảm thấy nản lòng. Thêm vào đó, lao động ở nông thôn thời gian này chưa quen làm việc theo tác phong công nghiệp nên không ít lần anh phải chịu lỗ oan. Song Trường vẫn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Hiểu tâm lý khách hàng khi đặt đơn hàng ở một xưởng sản xuất mini như của mình, anh tâm niệm phải lấy chữ tín làm trọng. Ngày qua ngày, anh cùng 20 lao động dồn tâm sức lên từng đường kim mũi chỉ, bảo đảm hàng may chất lượng cao và giao hàng đúng thời gian. Cùng với đó, anh dần hoàn thiện các mẫu mã sản phẩm và xây dựng giá thành hợp lý để đi chào hàng, mở rộng thị trường.

Cứ vậy, cơ sở may của Trường Giang từng bước tạo được niềm tin với khách hàng cả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất, năm 2012 anh đầu tư thêm 10 máy may, trong đó có 6 máy may điện tử. Đến nay, xưởng may của anh tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập bình quân từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh còn có 6 cơ sở vệ tinh với khoảng 80 lao động ở một số địa phương như Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Hải Dương… Năm 2012, cơ sở của anh đạt doanh thu 1,7 tỷ đồng. Dự tính năm 2013, cơ sở sẽ đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ ngày thành lập cơ sở may đến nay, mỗi năm anh phối hợp mở một lớp dạy nghề ngay tại cơ sở cho khoảng 30 thanh niên nông thôn và những người khuyết tật. Sau khi kết thúc khóa học, anh tạo điều kiện giúp họ được làm việc tại xưởng hoặc tư vấn để họ tìm được việc làm, tự nuôi sống bản thân. Anh chia sẻ: “Từ khó khăn tìm kiếm việc làm mà bản thân đã trải qua, tôi mong muốn giúp đỡ những thanh niên, người khuyết tật có được cái “cần câu” để họ có thể  ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Tôi thấy mình hạnh phúc và có ích hơn khi ít nhiều được chia sẻ khó khăn, giúp đỡ mọi người”.

Anh cũng là người nặng lòng với công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi địa phương. Năm 2000 anh được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đoàn xã Dân Chủ. Người trong xã biết nhiều đến anh cũng bởi anh không chỉ giỏi làm kinh tế mà còn là một “thủ lĩnh” nhiệt huyết. Ngoài việc tổ chức hiệu quả các hoạt động của đoàn, anh còn cùng Ban chấp hành Đoàn xã tổ chức nhiều buổi giao lưu, kết nghĩa với chi đoàn các trường học và các xã lân cận; vận động, khuyến khích đoàn viên thanh niên tham gia các hội thi, hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương. Anh là người chủ động đề xuất ý kiến thành lập Hội Liên hiệp Thanh niên xã Dân Chủ nhằm thu hút, tập hợp những người trẻ hỗ trợ nhau trong lao động, phát triển kinh tế. Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền Phạm Hữu Trường được Tỉnh đoàn và Trung ương Đoàn khen thưởng; năm 2006 được nhận Giải thưởng 26/3, năm 2007 là một trong các đại biểu đại diện cho tuổi trẻ Thái Bình tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IX tại Hà Nội.

Đi lên từ hai bàn tay trắng, với ý chí, tinh thần học hỏi và nghị lực phấn đấu không ngừng, Bí thư Đoàn xã Dân Chủ Phạm Hữu Trường đã khẳng định sức trẻ ngay trên chính mảnh đất quê hương, xứng đáng là tấm gương trong học tập và lao động để nhiều người noi theo.

Mai Thư

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày