Thứ 2, 08/07/2024, 12:17[GMT+7]

Làm giàu từ mô hình nuôi trồng tổng hợp

Thứ 6, 01/11/2013 | 08:12:50
9,778 lượt xem
Sau gần hai năm vật lộn với mảnh đất quanh năm úng trũng, cấy một vụ lúa không đủ ăn, anh Phạm Đình Đăng, thôn Nhân Phú, xã Hùng Dũng (Hưng Hà) đã có trong tay một gia trại chăn nuôi tổng hợp và một vườn ổi. Mỗi năm thu nhập từ mô hình kinh tế vườn, chuồng hơn 300 triệu đồng.

Anh Phạm Đình Đăng chăm sóc đàn gà thương phẩm của gia đình.

Sau chuyển đổi vợ chồng anh Phạm Đình Đăng đã chọn cây ổi lai Hải Dương thâm canh trên vùng đất mới. Tổng diện tích hơn 2.000m2 đất chuyển đổi mới ngày nào còn um tùm cỏ dại, ít người lui tới nay đã phủ xanh bởi hơn 300 gốc ổi gần 2 năm tuổi, xung quanh là hệ thống chuồng trại nuôi gà, ngan. Anh Phạm Đình Đăng tâm sự: “Tuy là khu ruộng hoang hóa nhiễm phèn, nhưng khu đất nằm gần sông nên việc lấy nước tưới, thoát nước dễ dàng. Vợ chồng tôi đầu tư hút bùn, mua đất màu về san lấp thành vườn trồng rau, nuôi gà chứ không có ý định trồng ổi kinh doanh”. Đang loay hoay với kế hoạch trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế thì một lần anh được nếm trái ổi Hải Dương của một người bạn gửi biếu bố mẹ. “Giống ổi Hải Dương quả rất to, chắc, ít hạt và cho thu hoạch quả quanh năm ăn rất giòn, có vị thơm, phù hợp với đất vượt. Với loại ổi này chỉ cần sau 1,5 năm chăm sóc tốt thì ổi bắt đầu ra quả. Bắt đầu từ vụ thứ 2 trở đi, ổi cho quả nhiều”. Anh Đăng cho biết thêm.

Cũng nhờ lần ăn ổi đó, nhiều tháng ròng anh tìm hiểu đặc tính và kỹ thuật trồng, chăm sóc ổi qua sách báo. Anh còn cất công sang Hải Dương, Hưng Yên để tìm hiểu thực tế tại các vườn ổi để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2010, anh sang trại giống bên Hải Dương mua hơn 300 cây giống về trồng thử nghiệm. Chỉ hơn một năm, 300 gốc ổi đã phát triển và ra quả. Vụ đầu mùa, vợ chồng anh Đăng thu về hơn 1 tấn quả. Chị Đoàn Thị Luyến, vợ anh Đăng chia sẻ: “Giống ổi này ra quả quanh năm nên lúc nào trong vườn cũng có ổi bán. Tuy nhiên chính vụ vào tháng 7, tháng 8 cho năng suất rất cao. Đến nay gia đình tôi đã thu 3 vụ ổi với giá bán từ 10.000 đồng – 15.000 đồng/kg tại vườn”.

Một phần diện tích anh đầu tư hơn 100 triệu đồng xây chuồng trại nuôi gà và ngan. Việc kết hợp chăn nuôi gia cầm với trồng ổi đã giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập. Đàn gà hơn 1.000 con chủ yếu là giống gà tàu vàng, gà lai ri, gà ba máu nuôi thương phẩm theo hình thức thả vườn nên được nhiều người ưa chuộng. Trên ổi, dưới gà, vừa có bóng râm, lại tận dụng được nguồn chất thải từ chăn nuôi bổ sung chất dinh dưỡng cho cây. Anh Đăng cho biết: “Tôi nuôi gà, ngan theo hình thức gối lứa, đủ các độ tuổi để khi bán lứa này thì có lứa khác bổ sung ngay, vừa không bị trống chuồng mà có gà, ngan thương phẩm bán liên tục. Thị trường tiêu thụ chủ yếâu là trong tỉnh, thương lái đến tận vườn bắt chứ không phải đi tìm thị trường. Mỗi lứa bán được hơn 1 tấn gà và ngan trừ chi phí tôi cũng có 30 triệu đồng tiền lãi”.

Bước sang tuổi 36, giờ đây anh Phạm Đình Đăng đã trở thành một ông chủ nhỏ với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi tháng thu về hơn 10 triệu đồng tiền lãi. Ngoài phát triển cây ổi trên vùng đất mới, đầu tư chăn nuôi gà, ngan anh còn đưa các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào thử nghiệm như thỏ, lợn rừng… Bên cạnh đó, hơn 6 sào ao của gia đình được anh đầu tư nuôi cá thương phẩm như trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính theo hình thức bán công nghiệp. Một năm cho thu hoạch hai vụ với sản lượng 2 – 3 tấn/vụ.

Có niềm đam mê phát triển kinh tế nên nhìn vào đâu vợ chồng anh Đăng cũng thấy giá trị lợi nhuận. Từ mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh đã tạo hướng đi mới cho nhiều hộ gia đình trong xã học hỏi kinh nghiệm, chuyển đổi sản xuất trên vùng đất cấy lúa năng suất thấp.

Tất Đạt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày