Thứ 2, 08/07/2024, 12:23[GMT+7]

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng

Thứ 3, 17/12/2013 | 09:04:23
2,953 lượt xem
Không ồn ào náo nhiệt như nhiều miền quê khác, Chương Dương (Ðông Hưng) là xã thuần nông không có ngành nghề phụ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên ở đó vẫn xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó làm giàu. Anh Trần Văn Thảnh, thôn Nam Lỗ là một ví dụ.

Khu vực chăn nuôi lợn thịt của anh Trần Văn Thảnh, xã Chương Dương.

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất mà thu nhập chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, anh Thảnh cũng như bao hộ nông dân khác chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhà có 3 sào ruộng, vừa phải lo cho gia đình vừa chi phí cho 2 con ăn học, cuộc sống ngày thêm khó khăn, vất vả, anh đã trăn trở suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo. Dẫu biết làm gì cũng sẽ rất khó bởi không có đồng vốn nào trong tay nhưng anh vẫn mạnh dạn trình UBND xã cho đấu thầu vùng đất ven làng để chăn nuôi lợn.

Năm 2010, được xã tạo điều kiện cho chuyển đổi trên 200m2, anh đã vay ngân hàng 20 triệu đồng cộng với số vốn của bạn bè, người thân đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại trên toàn bộ diện tích chuyển đổi. Khởi đầu còn khó khăn về vốn nên anh chỉ nuôi vài chục con lợn thịt và nuôi thêm 4 con lợn nái để gây giống. Bán được đồng nào anh lại tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi. Tới nay, anh duy trì nuôi thường xuyên 140 -150 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất bán trên 20 tấn thịt lợn hơi.

Anh Thảnh chia sẻ: Xác định chăn nuôi là phải chấp nhận lúc được lúc mất, phụ thuộc vào thị trường. Năm 2011, anh bán với giá ổn định từ 45.000 - 47.000 đồng/kg thịt lợn hơi, thu lãi được trên 60 triệu đồng nhưng từ tháng 8 năm ngoái tới tháng 5 năm nay phải bán gần 6 tấn lợn thịt với giá giao động từ 29.000 - 31.000 đồng/kg. Ðó là chưa tính tới thiệt hại từ dịch bệnh, thiên tai đem lại. Anh Thảnh cho biết thêm: Năm 2012, đàn lợn bị dịch bệnh lở mồm long móng làm 40 con lợn từ 60 - 70 kg/con chết, sau đó tới tháng 10 lại tiếp tục bị bão số 8 làm tốc mái chuồng, chỉ sau một đêm hơn 40 con lợn bị chết rét. Chỉ tính riêng năm 2012 anh đã thiệt hại trên 100 triệu đồng. Còn một nghịch lý là giá cả thức ăn ngày một tăng cao trong khi giá thịt lợn hơi lại ngày càng xuống thấp.

Tính bình quân mỗi năm anh Thảnh phải đầu tư 400 triệu đồng mua thức ăn và khoảng 100 triệu đồng tiền con giống. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng anh vẫn không nản chí, tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng như học hỏi kiến thức, kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh. Cuối năm 2012, anh đã dồn đổi thêm 5 sào ruộng để mở rộng quy mô chăn nuôi, đào ao thả các loại cá truyền thống. Với hy vọng mức giá 38.000 - 42.000 đồng/kg thịt lợn hơi sẽ giữ ổn định, đến cuối năm anh sẽ xuất bán trên 4 tấn lợn thịt, bù lại khoản lỗ của năm ngoái.

Từ hai bàn tay trắng, đến nay anh Thảnh đã có khu chuồng trại chăn nuôi lợn quy mô lớn góp phần nâng cao đời sống gia đình, nuôi 2 con ăn học. Từ nay tới cuối năm anh tiếp tục đầu tư nuôi gà thịt với số lượng từ 500 - 1.000 con để cung cấp cho thị trường Tết.

Thu Thủy 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày