Thứ 6, 05/07/2024, 14:44[GMT+7]

Có hạnh phúc nào được gọi tên?

Thứ 2, 27/01/2014 | 21:00:16
1,170 lượt xem
Đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh những của những đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, chúng tôi càng cảm phục tấm lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại đây. Phải có tấm lòng bao dung, sự cảm thông thì họ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề.

Khu nhà trẻ của Trung tâm

Những ngày giáp tết, dòng người từ thành phố đổ về các miền quê ngày càng đông mang theo hành trang là những cành đào, cành mai đón tết. Chặng đường xa, dài và mệt mỏi cũng không ngăn được những bước chân xa quê trở về với gia đình đúng dịp tết cổ truyền của dân tộc. Họ trở về chỉ đơn giản để được ăn bữa cơm mẹ nấu, được sum vầy bên gia đình, được ở cùng nhau trong giây phút giao thừa thiêng liêng… Đó chính là khát khao tìm về để tận hưởng niềm hạnh phúc gia đình sau những tháng ngày bị cuốn vào vòng xoáy mưu sinh. Niềm hạnh phúc tưởng chừng đơn giản ấy lại chính là đích đến vô cùng của không ít mảnh đời bất hạnh. Với họ, hạnh phúc gia đình dường như là thứ quá xa xỉ bởi cuộc sống trớ trêu đã tàn nhẫn tước đi niềm hạnh phúc ấy. Vậy mỗi dịp tết đến, xuân về, với những mảnh đời không may mắn, liệu còn có hạnh phúc nào được gọi tên?

Đến Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - TBXH) vào một ngày cuối năm, không khí đón tết đã hiển hiện tại nơi đây. Hoa đào bắt đầu khoe sắc cạnh cây quất rực rỡ sắc xanh, vàng. Cán bộ, nhân viên Trung tâm đang tích cực chuẩn bị cho bà con đón một cái tết đầm ấm, tươm tất. Trao đổi với chúng tôi, cô Phạm Thị Xuân, Trưởng phòng Y tế cho biết: “Hiện tại, Trung tâm đang quản lý 750 đối tượng trong đó trợ cấp cộng đồng là 650 đối tượng và trực tiếp nuôi dưỡng khoảng 100 đối tượng. Các đối tượng của Trung tâm đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như trẻ em mồ côi, trẻ bị nhiễm HIV, người khuyết tật nặng, người cao tuổi cô đơn, đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp… Vào dịp tết, ngoài những đối tượng còn gia đình được đón về thì những người còn lại sẽ đón tết ngay tại Trung tâm. Là những người thường xuyên trực tiếp chăm sóc cho các đối tượng, hiểu được những thiếu thốn cả về vật chất cũng như tinh thần của bà con nên cán bộ, nhân viên Trung tâm đều cố gắng chuẩn bị đón tết cho bà con thật chu đáo.

Ngoài việc tổ chức đón giao thừa, chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, cán bộ, nhân viên Trung tâm còn phân công trực tết, sẵn sàng phục vụ bà con khi có nhu cầu”. Có thể nói rằng, nếu còn có sự may mắn trong cuộc đời của những mảnh đời bất hạnh ở đây thì đó chính là sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại Trung tâm, những người vẫn ngày ngày ở bên chăm lo cho họ từ bữa ăn đến giấc ngủ.

Đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh những của những đối tượng được chăm sóc tại Trung tâm, chúng tôi càng cảm phục tấm lòng của đội ngũ cán bộ, nhân viên tại đây. Phải có tấm lòng bao dung, sự cảm thông thì họ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề. Đối tượng ở Trung tâm đa dạng, song họ đều có một điểm chung đó là “kém may mắn”. Chúng tôi gặp em Nguyễn Văn Sơn khi em đang được nhân viên y tế chăm sóc. Hoàn cảnh của em thực sự khiến nhiều người chạnh lòng. Sơn quê ở xã Quỳnh Xá (Quỳnh Phụ), bố mẹ em sớm chia tay nhau, em được ông bà ngoại nuôi dưỡng. Do ông bà ngoại ngày càng già yếu, bản thân em bị tâm thần phân liệt nên cách đây 4 năm em được gửi vào Trung tâm.

Cách đó không xa, có một cô bé với khuôn mặt xinh xắn đang ngồi trong chiếc giường cũi dành cho em bé 3, 4 tuổi thu hút sự chú ý của tôi. Qua sự giới thiệu của nhân viên tại đây, tôi bàng hoàng khi biết cô bé đó đã 30 tuổi, tên là Hoàng Thị Thùy, quê ở xã Vũ Ninh (Kiến Xương). Do bố mẹ mất sớm, bản thân Thùy lại bị tâm thần, thân hình thì như đứa trẻ, anh em lại đi làm xa nhà nên gửi Thùy vào Trung tâm. Chứng kiến cảnh Thùy và Sơn với khuôn mặt ngây thơ, ánh mắt khờ dại, cười khóc vô cớ, không thể tự chủ được mọi việc mà tất cả phải nhờ đến nhân viên y tế chăm sóc, chúng tôi không khỏi xót xa.

Đến khu vực nhà trẻ của Trung tâm, không khí dường như bớt đi sự ảm đạm, não nề bởi giọng cười trong trẻo, tiếng bi bô của những đứa trẻ. Hiện nay, khu nhà trẻ của Trung tâm đang nuôi dưỡng 7 cháu, ngoài 2 cháu bị dị tật đã khá lớn thì còn lại đều là những cháu bé tầm khoảng 2, 3 tuổi. Nhìn các cháu vô tư vui đùa, tôi cảm thấy giống như đang ở trong lớp học của một trường mầm non. Các cháu đều có chung hoàn cảnh bị bố mẹ bỏ rơi từ những ngày mới lọt lòng, nhiều cháu bị bỏ rơi ngay trước cổng Trung tâm. Cháu bé nhất tại Trung tâm mới được gần 1 tháng rưỡi. Do bị bỏ rơi ở chùa Đông Dương (Đông Hưng) nên cháu được cán bộ, nhân viên ở đây đặt tên là Nguyễn Thị Đông Dương. Cái tên đẹp song cũng gợi nhớ đến vết thương lòng sâu sắc. Chị Bùi Thị Mai Hương, nhân viên chăm sóc tại khu nhà trẻ cho biết: “Khi vào Trung tâm, cháu Dương mới được có 2 ngày tuổi, nặng 2,7 kg. Cán bộ, nhân viên ở đây thay nhau trực để chăm sóc cho cháu. Dương không chỉ xinh xắn mà còn rất ngoan, không quấy khóc nên các “mẹ” ở đây rất thương cháu”. Có lẽ giờ đây, Dương cũng như các anh chị em khác của mình tại Trung tâm chưa cảm nhận được sự thiếu thốn về tình cảm, sự trống vắng của không khí gia đình hay một cái tết thực sự theo đúng nghĩa. Sự an ủi duy nhất của các cháu bây giờ chính là tình yêu thương của các “mẹ” vẫn ngày đêm bế ẵm, chăm lo cho Dương cùng các anh chị em của Dương từng bữa ăn, giấc ngủ, vỗ về bù đắp phần nào những thiếu thốn của số phận.

Còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, những người kém may mắn tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, do vậy, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội để những đối tượng đặc biệt khó khăn tại đây vơi bớt những khó khăn, thiếu thốn, có được một cái tết tươm tất, đủ đầy.

Đỗ Quyên

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày