Thứ 6, 05/07/2024, 15:45[GMT+7]

Dự án “Ngân hàng bò” Trao “cần câu” cho người nghèo

Thứ 6, 21/02/2014 | 08:26:55
1,435 lượt xem
Năm 2013, Dự án “Ngân hàng bò” được Hội Chữ thập đỏ triển khai xuống một số địa phương trong tỉnh. Lan tỏa tới các miền quê nghèo, Dự án đã đáp ứng đúng, trúng nguyện vọng của những người dân nghèo là cho họ tư liệu để lao động, sản xuất.

Dự án “Ngân hàng bò” về với hộ nghèo xã An Châu (Ðông Hưng).

Gia đình chị Nguyễn Thị Dịu, thôn An Lạp (An Châu, Ðông Hưng) thuộc hộ nghèo trong xã. Ðói nghèo bám riết, vài năm trước, cuộc sống quá khó khăn, gia đình chị quyết định “khăn gói” tới Quảng Ninh lập nghiệp. Thế nhưng, bao năm đi khai hoang, làm đất thuê mà cái nghèo vẫn đeo đẳng, cả gia đình lại bồng bế nhau về quê. Ra đi tay trắng, trở về không tấc đất cắm dùi, anh chị lại “oằn lưng” chở vật liệu thuê kiếm sống, nuôi con ăn học.

Sau khi chồng mất, gánh nặng cuộc đời đè nặng lên đôi vai gầy của chị. Căn nhà lụp xụp nơi cuối xóm mà chị và các con đang sinh sống nằm trên mảnh đất lưu không mượn tạm để dựng nhà. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đứa con gái lớn học hết lớp 9 xin nghỉ học, đi làm công nhân để phụ giúp mẹ, nuôi em. Ðược Dự án “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ không hoàn lại 7 triệu đồng và 1.250.000 đồng làm chuồng trại, mẹ con chị rất phấn khởi. Nhận tiền hỗ trợ mua bò từ tháng 6/2013, gia đình chị vay mượn thêm họ hàng, làng xóm để mua bò.

Ðến nay, nhờ sự quan tâm của chính quyền và Ban quản lý Dự án “Ngân hàng bò” địa phương, con bò của gia đình phát triển khỏe mạnh, sang tháng 3 có thể phối giống sinh sản. Dự án như “phao cứu sinh” mang đến niềm tin vào một ngày mai tươi sáng cho cả gia đình. Hy vọng Dự án sẽ tiếp thêm ngọn lửa nghị lực giúp chị vượt qua hoàn cảnh khó khăn, để các con tiếp tục được tới trường và vá lại hàm ếch cho đứa con gái thứ 2.

Cũng thuộc hộ nghèo, cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Thơi, thôn Kim Châu 2 (An Châu, Ðông Hưng) cũng lắm gian truân. Ông có 2 người con trai, cả 2 đều bị khuyết tật thần kinh, không tự chăm lo cho cuộc sống của mình. 4 miệng ăn chỉ biết trông chờ vào đôi vai của người đàn ông đã gần tuổi ngũ tuần. Chân tay còn lấm lem bùn đất khi đang trồng màu tại thửa ruộng ven đường, phấn khởi chỉ cho chúng tôi con bò to béo, mập mạp phía xa của gia đình mình đang được cậu con trai thứ 2 chăn dắt bên bờ sông. Ông khoe: “Tháng 3 là bò nhà tôi sinh sản chúng tôi coi nó như một thành viên trong gia đình mình, nó là tài sản giá trị nhất của cả nhà”.

Từ ngày có bò, gia đình ông giảm bớt được chi phí cho việc thuê máy cày bừa ruộng trong mỗi vụ mùa, 2 đứa con “khiếm khuyết thần kinh” đã có việc làm thường xuyên, thay nhau chăn dắt bò. Ông Thơi bày tỏ: “Con bò là ước mơ bấy lâu của chúng tôi, gia đình cố gắng chăm sóc chúng khỏe mạnh, sinh sản tốt để trả hết số nợ 8 triệu đồng vay thêm để mua bò, có bò sẽ dần cải thiện cuộc sống gia đình”.

Tháng 6/2013, Dự án “Ngân hàng bò” đã hỗ trợ 5 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã An Châu số tiền trên 40 triệu đồng mua bò giống và làm chuồng trại. Nhận được sự hỗ trợ từ Dự án, chính quyền địa phương và nhân dân trong xã ai cũng phấn khởi bởi họ tin rằng đây sẽ là lời giải hiệu quả cho bài toán xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã An Châu cho biết: “Trong 5 hộ được nhận bò, 4 gia đình có đối tượng bị khuyết tật.

Cuộc sống của họ rất khó khăn, không có việc làm ổn định, chủ yếu đi làm thuê theo thời vụ. Từ ngày Dự án về với xã, bà con rất mừng bởi họ biết rằng nếu chăm sóc tốt, sau khi bò sinh sản, họ sẽ dần thoát được cái nghèo, cùng với đó vấn đề an sinh xã hội tại địa phương cũng từng bước được giải quyết”.

Niềm vui từ Dự án “Ngân hàng bò” đang lan tỏa các miền quê nghèo. Sau gần 8 tháng triển khai với 14 con bò được Dự án hỗ trợ ban đầu, đến nay bò đã sinh sản thêm được 1 con, số còn lại hầu hết đang trong giai đoạn mang thai và chuẩn bị phối giống.

Những gia đình hoàn cảnh khó khăn tại các xã được Dự án hỗ trợ như: An Châu, Ðông Kinh, Phú Lương (Ðông Hưng) đã chăm sóc và phát triển đàn bò hiệu quả. Riêng 5 con bò của các hộ cận nghèo xã Phú Lương sau 2 năm sẽ phải hoàn lại Dự án số vốn 7 triệu đồng ban đầu để Dự án tiếp tục giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác. Sự cần cù của những người lao động nghèo xã An Châu, Phú Lương và Ðông Kinh đã dần được bù đắp, chỉ vài tháng nữa những chú bò sinh sản sẽ góp phần bước đầu giúp các gia đình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Dự án “Ngân hàng bò” đã đáp ứng đúng, trúng nguyện vọng của những người dân nghèo là cho họ tư liệu để lao động, sản xuất. Mong rằng nhiều người dân nghèo tại Thái Bình sẽ được Dự án “Ngân hàng bò” hỗ trợ hơn nữa.

Như Hoàng

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày