Thứ 6, 05/07/2024, 15:07[GMT+7]

Nỗ lực vượt khó trên mảnh đất quê hương

Thứ 6, 11/04/2014 | 08:45:59
1,148 lượt xem
Trải qua những năm tháng bom đạn khốc liệt, trở về quê hương khi trong mình bị phơi nhiễm chất độc da cam nơi chiến trường. Cuộc đời những người lính phục viên xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy) tưởng chừng sẽ bị “bủa vây” trong sự mặc cảm và hoành hành của bệnh tật. Thế nhưng, không đầu hàng trước số phận, với “tinh thần thép” được tôi luyện trong quân ngũ, họ đã vượt lên và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Những cựu chiến binh Phạm Trọng Kiểu (thôn An Bái), Phan Văn Dương (thôn Bá

Ông Phan Văn Dương (người bên trái), thôn Bái Kiện, xã Thụy Quỳnh (Thái Thụy) bên mô hình gia trại của gia đình.

 

64 tuổi, ông Phạm Trọng Kiểu vẫn cần mẫn, miệt mài với việc “chỉ huy” 2 xưởng gỗ của gia đình, “máu” kinh doanh chưa cho phép ông nghỉ ngơi an dưỡng dù tuổi đã xế chiều. Người đàn ông ấy vẫn “lặn lội” khắp nơi từ Diêm Ðiền, Ðông Hưng cho tới tận Vĩnh Bảo (Hải Phòng) tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện, ông được biết đến với vai trò là chủ 2 xưởng gỗ mỹ nghệ và cửa hàng đồ gỗ với tổng doanh thu đạt trên 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động. Từng là Tiểu đội phó  đơn vị pháo 12 ly 7 đóng quân tại chiến trường Quảng Trị, năm 1976, đất nước giải phóng ông được chuyển về Nhà máy gỗ Thái Bình làm việc. 5 năm sau, được về nghỉ chế độ mất sức.

 

Với “vốn” nghề có sẵn trong tay, ông bắt đầu chuỗi ngày gây dựng sự nghiệp làm mộc tại địa phương. Năng động, nhạy bén, ông tìm đến mặt hàng mới, chưa được nhiều người khai thác đó là các sản phẩm làm từ gỗ okal. Tích lũy kinh nghiệm, ông quyết định mở xưởng gỗ giúp nhiều người dân địa phương và con em đồng đội trong quân ngũ học nghề, có việc làm. Ông vinh dự được UBND xã Thụy Quỳnh tặng giấy khen vì thành tích tạo điều kiện giúp đỡ về công ăn việc làm cho nhân dân nhiều năm liền. Sự tàn phá của chất độc hóa học trong cơ thể vẫn âm thầm vắt kiệt sức khỏe ông, song tinh thần lạc quan và niềm hăng say lao động đã giúp ông vượt lên nỗi đau da cam, khẳng định mình.

 

Trước khi chọn cho mình con đường lập nghiệp từ mô hình VAC, ông Phan Văn Dương đã trải qua nhiều năm công tác tại cửa hàng mua bán bách hóa tổng hợp; giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Bái Kiện và làm qua nhiều  nghề. Sau nhiều ngày suy nghĩ, trăn trở tìm hướng đi mới, đưa kinh tế gia đình phát triển, tham khảo các mô hình chăn nuôi tại địa phương, ông quyết tâm xây dựng gia trại. Ông Dương mạnh dạn đấu thầu, biến vùng đất trồng sen lưu không của xã từ thời bao cấp thành gia trại chăn nuôi khép kín. Lựa chọn của ông lúc ấy bị nhiều người can ngăn, bởi khi người ta tìm hướng thoát ly làm giàu thì ông lại tìm đến rìa làng, cuối xóm, mất công đào ao, chở đất xây dựng cơ nghiệp.

 

Là bệnh binh loại 2, mất 61% sức khỏe nên ai cũng ái ngại cho quyết định của ông. Thế nhưng, ông Dương vẫn kiên trì bám đất, bám vườn với ý chí quyết tâm làm giàu. 7 sào đất, ông dành 3,5 sào để đào ao thả cá, số còn lại là xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà ta và hàng chục gốc hòe cho giá trị kinh tế cao. Mỗi năm trừ chi phí, hai vợ chồng thu vài chục triệu đồng. Ông Dương đang ấp ủ ước mơ mở rộng gia trại, phát triển chăn nuôi.

 

Gia cảnh nghèo, đông con là động lực chính thôi thúc Nguyễn Văn Tuẩn, người đàn ông công giáo phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy đồng cỏ khu đất bãi ven sông Hóa sẽ là nơi cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho dê, ông tìm đến các mô hình của đồng đội để học tập. Nhờ sự kiên trì và bản tính ham học hỏi, sau 6 năm, đàn dê của ông tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay đàn dê của ông có trên 40 con. Ngoài chăn nuôi dê, ông kết hợp nuôi gà ta, số lượng đàn gà của ông lên tới hàng trăm con. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông cũng thu lãi trên 100 triệu đồng. Từ đói nghèo đến nay gia đình ông Tuẩn vươn lên mức khá giả, các con ông đều trưởng thành và có việc làm ổn định.

 

Dù mỗi người chọn cho mình một con đường làm giàu riêng, song sự nỗ lực vượt khó, tình đoàn kết, giúp nhau xóa đói giảm nghèo của ông Kiểu, ông Dương và ông Tuẩn, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Ðiôxin xã Thụy Quỳnh là những tấm gương về ý chí và nghị lực. Không chỉ giỏi làm kinh tế, các ông còn tích cực tham gia các hoạt động gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào của địa phương, được nhân dân cảm phục, tin yêu.

Hoàng Lanh

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày