Thứ 6, 05/07/2024, 14:39[GMT+7]

Cô giáo Dương Lệ Nga “Hạt vàng” của ngành giáo dục

Thứ 6, 25/04/2014 | 08:46:40
2,283 lượt xem
Nhắc đến cô giáo Dương Lệ Nga, rất nhiều học sinh, giáo viên trong huyện biết đến là một nhà giáo luôn tận tâm với nghề, yêu trò như yêu con, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Không chỉ làm tốt vai trò của nghề giáo, cô còn được biết đến là một tình nguyện viên xuất sắc trong Hội Chữ thập đỏ huyện Quỳnh Phụ. Ðối với cô, “càng đem lại nhiều hạnh phúc cho người khác, con người càng được hạnh phúc”.

Cô Dương Lệ Nga (ngoài cùng bên phải) trong lần đi trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Những năm đầu mới ra trường, theo tiếng gọi của Ðảng, Tổ quốc, cô giáo Dương Lệ Nga (quê ở Bắc Giang) đã xin lên vùng cao xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La công tác. Ðây là nơi đặc biệt khó khăn của Tây Bắc, chủ yếu là dân tộc Xinh Mun và dân tộc Mông sinh sống. Những năm công tác tại đây, cô đã chứng kiến nhiều cảnh học sinh không có dép đi học, trèo đèo, lội suối đến trường, những ngày đông lạnh buốt các em chỉ có một manh áo mỏng không còn nguyên vẹn…

Cô Dương Lệ Nga chia sẻ: Những hình ảnh ấy luôn thôi thúc tôi phải cố gắng hơn nữa mang cái chữ đến với bản nghèo, hình thành trong các em tình cảm con người với con người. Ngoài vai trò là giáo viên dạy môn Thể dục, cô còn đảm nhiệm vị trí Tổng phụ trách với nhiều sáng kiến kinh nghiệm. Suốt 16 năm công tác tại vùng cao Tây Bắc, cô đã góp phần xây dựng liên đội của các trường nơi mình công tác là liên đội mạnh cấp tỉnh, dẫn đầu tỉnh về phong trào công tác đội.

Tháng 11/1991, cô theo chồng về Thái Bình sinh sống và tiếp tục sự nghiệp trồng người tại Trường THCS An Dục, huyện Quỳnh Phụ. Nghiêm túc nhưng cũng rất gần gũi với học sinh, coi học sinh như con cháu trong gia đình, cô Nga luôn trăn trở ngày đêm tìm hiểu những trò chơi dân gian để mang tiếng cười, niềm hạnh phúc cho các em ngoài giờ học.

Ðể đổi mới tiết chào cờ hàng tuần, cô cùng Ban Giám hiệu Trường THCS An Dục nghiên cứu và áp dụng những cải tiến như: giới thiệu những cuốn sách giá trị trong thư viện nhà trường, tủ sách lớp em, sân khấu hóa những câu chuyện cổ tích hay đời sống thường ngày, trao quà sinh nhật cho các em học sinh… Cùng với chương trình Sách hóa nông thôn, cô đã trực tiếp tham gia hoạt động quyên góp, kêu gọi và đưa sách về nông thôn, xây dựng trên 2.000 tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học, hơn 200 tủ sách dòng họ, tủ sách thôn xóm, tủ sách gia đình, tủ sách chiến sĩ... ở nhiều địa phương.

Những ngày lễ lớn trong năm như ngày Nhà giáo Việt Nam, Thành lập Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh… cô Dương Lệ Nga đã tham mưu, đề xuất lên Ban Giám hiệu Trường tổ chức cắm trại, thi văn nghệ, cắm hoa để học sinh được vui chơi, rèn luyện kỹ năng sống, hòa hợp với thiên nhiên, môi trường.

Mỗi khi hè đến, cô phối hợp với một số nhà chùa trong huyện tổ chức cho học sinh tham gia các khóa tu để các em hiểu hơn về công ơn sinh thành, đạo nghĩa, cách ứng xử của con người với con người… Ngoài ra, cô còn kết nối với những nhóm bạn trẻ, sinh viên tại Hà Nội mở những khóa học ngắn hạn về rèn kỹ năng sống cho học sinh trong và ngoài Trường. Qua vài năm triển khai, các hoạt động đã có tác động tích cực tới học sinh và phụ huynh, các em chủ động hơn trong mọi hoạt động, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa.

Ngoài giờ lên lớp, cô luôn dành thời gian cho công tác chữ thập đỏ. Chính vì thế, hoạt động nhân đạo của Trường THCS An Dục luôn đa dạng và phong phú với nhiều hình thức, là điểm sáng của huyện và của tỉnh. Một số mô hình được nhân rộng ở các trường trong và ngoài huyện như: nuôi lợn nhân đạo, áo ấm vùng cao, nắm gạo tình thương...

Hiện nay, với vai trò là Nhóm trưởng Nhóm Kết nối trái tim, cô đã cùng các thành viên quyên góp được hàng trăm triệu đồng và nhiều vật chất khác, giúp đỡ rất nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt quyên góp áo ấm, gạo, tiền giúp đồng bào dân tộc vùng cao, đồng bào miền Trung bị lũ lụt, tổ chức các hoạt động tặng quà tết, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho người nghèo…

Anh Nam, con trai cô Dương Lệ Nga nghẹn ngào: Có lúc, tôi chỉ mong mẹ ốm một chút, chỉ có thế mẹ mới có thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, bởi gần như rời công việc trường lớp, tạm thu xếp ổn việc nhà, là mẹ lại “lao” đi với công tác đội hoặc đến các nơi mà những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn đang cần. Nhưng không vì công việc trường lớp hay công việc xã hội mà cô “quên” đi gia đình bé nhỏ của mình.

Suốt 37 năm công tác, cô Dương Lệ Nga luôn đạt giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, được tặng hơn 60 giấy khen, bằng khen, huy chương. Nhiều năm, cô được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Namon> phong tặng danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Bên cạnh đó, cô có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, được áp dụng trong sinh hoạt, hoạt động công tác đội, nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh được Hội đồng Giáo dục huyện và Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đánh giá và công nhận đạt giải A như “Hướng dẫn học sinh THCS “Trò chơi dân gian” một hình thức hoạt động đơn giản mà hiệu quả”.

Chia tay chúng tôi, cô nói trong niềm hạnh phúc: Tôi có một người chồng tuyệt vời, biết thấu hiểu, thông cảm với niềm đam mê của tôi và luôn được các con ủng hộ.

                                    Ðặng Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày