Thứ 4, 03/07/2024, 08:46[GMT+7]

"Xế chiều" vẫn nhiệt huyết với phong trào chữ thập đỏ

Thứ 5, 08/05/2014 | 08:48:53
1,317 lượt xem
Dấu chân của người đàn ông với mái tóc bạc quá nửa đầu đã in trên con đường tới những ngôi nhà đặc biệt khó khăn, nạn nhân da cam, người già cả cô đơn, mắc bệnh hiểm nghèo của xã Hòa Tiến (Hưng Hà). Tiếng xe, tiếng bước chân của ông đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân nghèo nơi đây, bởi ông chính là “cầu nối”, mang hơi ấm, sự sẻ chia của tình người trong cộng đồng tới những hoàn cảnh khó khăn, giúp họ tự tin hòa nhập xã hội. Ông là Nguyễn Xuân Tích, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) x

Ông Trần Công Huấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Định (Kiến Xương) trao quà cho các em học sinh nghèo học giỏi. Ảnh do Hội Chữ thập đỏ xã Bình Định cung cấp

Là thương binh 1/4, mất tới 81% sức khỏe và một bên mắt bị lòa nhưng hàng ngày, ông Nguyễn Xuân Tích vẫn hăng say, nhiệt huyết với công việc CTĐ.

Xác định tầm quan trọng của việc xây dựng quỹ hội, ông đã tích cực vận động và được các đoàn thể, nhân dân địa phương hưởng ứng nhiệt tình. Ông còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã soạn thư tay kêu gọi con em xa quê hương đang sinh sống ở nước ngoài ủng hộ xây dựng quỹ hoạt động từ thiện và đã nhận được số tiền 27 triệu đồng. Số tiền từ nguồn quỹ là điều kiện thuận lợi để ông nâng cao vai trò, vị trí của Hội CTĐ trong lòng dân với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Trên chiếc xe máy cũ là người bạn đồng hành, ông thường tìm tới những địa chỉ nhân đạo. Ông tâm sự: “Có đến tận nơi, chứng kiến tận mắt cuộc sống của họ mới thấy thật thương tâm, vì thế tôi luôn muốn làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ, chia sẻ một phần nào đó trong lúc họ khó khăn nhất”. Thời gian qua, công tác cứu trợ, thăm hỏi các đối tượng của Hội Chữ thập đỏ xã luôn được đánh giá cao.

Ông Tích đã trích quỹ nhân đạo và vận động bà con giúp đỡ những gia đình không may lâm bệnh nặng: Gia đình ông Nguyễn Văn Đô (thôn Lường) vợ mắc bệnh ung thư, chồng bị tiểu đường, sức khỏe 2 vợ chồng rất yếu, không thể phát triển kinh tế; Bà Nguyễn Thị Vui (thôn Phan) bị ung thư giai đoạn cuối, bà con trong xóm, anh em dòng họ đã hỗ trợ kinh phí cử người đưa bà đi truyền hóa chất thường xuyên.

Nhắc tới trường hợp của bà Nguyễn Thị Lưa, thôn Sâm, ông Tích xót xa kể: Gia đình bà Lưa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng mất sớm, đứa con trai duy nhất của bà bị tai nạn giao thông và bị khuyết tật thần kinh, người con dâu không chịu được cảnh khổ cực nên bỏ lại mẹ già, chồng và con ra đi khiến cuộc sống của gia đình khó khăn lại chồng chất khó khăn, mọi sinh hoạt chỉ trông vào tiền trợ cấp ít ỏi của xã hội. Cảm thương cho hoàn cảnh của gia đình, Hội đã kêu gọi, vận động sự chung tay của những nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cho bà căn nhà kiên cố.

Với cái “tâm” của một người làm công tác nhân đạo và những thành tích trong hoạt động CTĐ, ông vinh dự được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam trao tặng bằng khen giai đoạn 2005 - 2010.

Cũng ở tuổi đã “xế chiều” nhưng vẫn hăng say, tích cực với hoạt động nhân đạo, đó là ông Trần Công Huấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Bình Định (Kiến Xương).

Sau khi rời quân ngũ, người giáo viên chính trị Trường Quân chính Quân khu V trở về địa phương tham gia nhiều lĩnh vực công tác với chức danh xóm trưởng, cán bộ đoàn thể. Đi từ không đến có, ông đã gây dựng, đưa tổ chức Hội CTĐ đi vào hoạt động nền nếp. Ông chia sẻ: “Lúc mới nhận nhiệm vụ, bản thân tôi chưa hiểu chữ thập đỏ là gì? Tôi cứ nghĩ cứu người cần phải có chuyên môn về y sĩ, bác sĩ nhưng sau đó qua các lớp tập huấn, sách báo, tôi hiểu rằng có thể trợ giúp bằng nhiều cách không phải chỉ khám, chữa bệnh”.

Sau khi hiểu được vai trò, nhiệm vụ và vị trí của tổ chức hội với hoạt động nhân đạo, ông đam mê và yêu thích công việc của mình. Bằng tất cả nhiệt huyết, ông luôn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những người không may mắn. Từ khi nhận nhiệm vụ, ông và các thành viên đã vận động xây dựng quỹ hội đạt trên 30 triệu đồng, tổ chức thăm, tặng quà cho hàng trăm lượt người. Với những tâm sự rất chân thành, ông nói: "Gặp hoàn cảnh khó khăn nếu chỉ động viên “suông” ý nghĩa không cao nhưng chỉ một chút quà sẽ để lại những kỷ niệm nhớ mãi trong họ”.

Người dân trong xã ai cũng quý mến ông, bởi ông có nhiều sáng kiến hay không chỉ chăm lo, động viên các đối tượng cần trợ giúp khi còn sống, mà còn thể hiện sự quan tâm, sẻ chia với những người già, đơn thân khi họ qua đời để có những tang lễ trọn vẹn. Mỗi việc làm của ông đã vun đắp thêm tình nghĩa xóm làng, gắn kết mọi người gần nhau hơn. Những người nghèo được hưởng lợi từ Dự án Heifer còn coi ông như một “ân nhân” bởi ông đã mang về những chú bò sinh sản giúp họ thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Huấn tâm sự: “Mỗi người cần phải biết vượt qua khó khăn, khẳng định bằng hiệu quả công việc, chỉ có thế mới mong thoát được cái nghèo, góp sức xây dựng phát triển kinh tế, đưa địa phương sớm về đích nông thôn mới”.

Mặc dù họ đều đã ở tuổi cần nghỉ ngơi, an dưỡng, thế nhưng sự nhiệt huyết, hăng say với công việc và niềm trăn trở, thương cảm cho số phận bất hạnh vẫn là động lực thôi thúc để những người đàn ông tuổi xế chiều như ông Nguyễn Xuân Tích, Trần Công Huấn làm tốt vai trò cầu nối nhân đạo. Hàng ngày, hàng giờ, họ đang nỗ lực gieo những mầm xanh hy vọng cho những mảnh đời kém may mắn. Những việc làm ý nghĩa đó hiến dâng cho đời những giá trị của tình người bao la.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày