Thứ 4, 03/07/2024, 08:57[GMT+7]

Nghị lực làm giàu của cựu chiến binh Vũ Văn Tinh

Thứ 2, 12/05/2014 | 08:41:20
2,601 lượt xem
Chúng tôi không khó để tìm tới ông - một hội viên điển hình làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Hoàng Diệu (Thành phố Thái Bình). Với cơ ngơi bề thế, sang trọng, một gara ôtô có tiếng của tỉnh, đến nay CCB Vũ Văn Tinh không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động có thu nhập ổn định.

Ông Vũ Văn Tinh hướng dẫn con em của hội viên cựu chiến binh học nghề sửa chữa bảo dưỡng xe ô tô. Ảnh: Quốc Đại (Hội Nhà báo tỉnh)

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, ông Tinh bồi hồi kể: sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà nông nghèo, có đông anh chị em, ông là con út nhưng cũng được học hết lớp 10. Sau năm 1975, ông vào bộ đội trực tiếp vào phía Nam, được điều động vào Sư đoàn 9, Quân đoàn 4 làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bè lũ Pôn Pốt. Trong lúc bắn trả bọn  Pôn Pốt, ông đã bị trúng đạn vào đầu, ngã gục tại trận. Ông phải trở về chữa trị ở Bệnh viện miền Đông và Trạm thương binh Tiên Hưng an dưỡng với thương tật hạng 1/4. Ba năm sau khi bình phục vết thương, ông trở về quê nhà để đoàn tụ với gia đình.

Ông Tinh bắt đầu xây dựng gia đình riêng và có cuộc sống mới ngay sau đó một năm. Hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, vừa phải nghĩ cách sinh nhai ông vừa bảo đảm giữ gìn sức khỏe cho bản thân mình. Ông đã mở cửa hàng sửa chữa xe đạp cùng với  phụ cấp thương binh để trang trải cuộc sống. Tới những năm 1985, ông Tinh chuyển sang làm nghề sửa chữa xe máy. Thời điểm đó cửa hàng của ông gần như duy nhất ở  tỉnh. Tới năm 1993, khi thị trường ô tô bắt đầu sôi động, ông lại chuyển sang làm nghề sửa chữa ô tô. Từ đó đến nay ông đã mở gara ô tô trên diện tích hơn 2.600m2 đem lại thu nhập cho gia đình trên 30 triệu đồng/tháng.

Mặc dù không trải qua bất cứ một trường lớp nào, không được đào tạo bài bản, không phải nghề cha truyền con nối nhưng ông Tinh đã tự học, tự làm, tự nghiên cứu máy móc và rút kinh nghiệm nâng cao tay nghề. Cũng từ nghề này đã giúp ông rèn luyện được đức tính chỉnh chu, lòng kiên trì và sự sáng tạo, linh hoạt trong công việc.

Ông Tinh tâm sự: ''Để vượt qua những khó khăn trong nghề này tôi đã phải tự học, tự nghiên cứu máy móc đồng thời vận dụng những kiến thức đã học ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường và mở rộng kiến thức trong quá trình sửa chữa. Từ khi chuyển sang sửa chữa ô tô, kinh tế gia đình tôi khấm khá lên nhiều, vừa có lãi lại vừa có nhiều bạn bè là cựu chiến binh. Tuy nhiên đây là nghề khó do công nghệ của máy ngày càng hiện đại, mỗi loại xe có đặc thù khác nhau nên tôi luôn phải trau dồi kiến thức theo đuổi công nghệ mới''.

Theo ông, để có được kết quả đó ngoài năng khiếu, người làm nghề phải có tâm với nghề, tôn trọng nghề. Ý nghĩa hơn cả là ông Tinh đã tạo được việc làm cho rất nhiều con em cựu chiến binh. Từ thời sửa chữa xe đạp, ông Tinh đã dạy nghề cho 4 đồng đội của mình làm nghề hàn xì, phun sơn, sửa chữa xe, tới khi sửa xe máy ông dạy nghề cho hàng chục người và hiện tại ông tạo việc làm cho 30 người với mức thu nhập cao nhất đạt tới 10 triệu đồng/người/tháng, các cháu tới học việc cũng được trả 3 triệu đồng/người/tháng.

Từ năm 1985 tới nay, ông đã dạy nghề cho hàng trăm con em cựu chiến binh về sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, ô tô để hành nghề. Ngoài ra, ông Tinh còn luôn đi đầu trong hoạt động nhân đạo từ thiện, quyên góp, ủng hộ của địa phương, trong đó đặc biệt ưu tiên tới những gia đình cựu chiến binh, thương binh, liệt sĩ. 

Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương của ông lại tái phát nhưng cũng vì say sưa với công việc nên đã giúp ông quên nỗi đau. Cho tới nay ông đã vinh dự 5 lần được đi dự hội nghị biểu dương thương binh toàn quốc làm kinh tế giỏi. Năm 2008, ông vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới thăm, tặng quà nhân dịp về làm việc với tỉnh. Ngoài ra, ông còn được nhận được hàng chục bằng khen, giấy khen của trung ương, của tỉnh.

Thu Thủy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày