Thứ 4, 03/07/2024, 09:18[GMT+7]

Nữ cán bộ trẻ: Nhiệt huyết với công tác thư viện

Thứ 3, 03/06/2014 | 09:46:53
4,169 lượt xem
Chúng tôi gặp Ðoàn Thị Mỹ Hạnh, cán bộ thư viện Trường Tiểu học An Dục (huyện Quỳnh Phụ) khi cô đang mải mê với những cuốn truyện cổ tích trong Thư viện Trường. Sinh năm 1990 nhưng với sự cố gắng nỗ lực của bản thân, Hạnh đã mang vinh quang về cho tỉnh nhà với giải Nhất Hội thi Cán bộ, giáo viên thư viện giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Cán bộ thư viện Ðoàn Thị Mỹ Hạnh, Trường Tiểu học An Dục (huyện Quỳnh Phụ) bên những cuốn sách trong thư viện Trường.

Vừa sắp xếp lại giá sách giáo khoa, Mỹ Hạnh vừa chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, cô được nhận về công tác tại Trường Tiểu học An Dục, cái nôi của phong trào tủ sách phụ huynh ở huyện Quỳnh Phụ. Cùng với sự hướng dẫn nhiệt tình của các thầy, cô và niềm đam mê sẵn có, cô tìm được niềm vui trong những cuốn sách, những câu chuyện nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa. Gắn bó với công tác thư viện được gần 2 năm, Mỹ Hạnh dần nhận ra giá trị của những cuốn sách, nó hướng bạn đọc đến những bài học đạo đức không bao giờ cũ.

Sau khi trải qua 2 vòng thi cấp huyện, cấp tỉnh, cùng với 2 giáo viên cấp THCS và THPT, Mỹ Hạnh vinh dự được chọn là cán bộ thư viện đại diện cho cấp tiểu học tham gia Hội thi Cán bộ, giáo viên thư viện giỏi toàn quốc lần thứ IV.

Trong số 54 cán bộ, giáo viên tham gia hội thi, Mỹ Hạnh là thí sinh trẻ nhất và cũng ít kinh nghiệm nhất. Hạnh hiểu rằng: “Em chỉ biết cố gắng hết mình và quyết tâm mang vinh quang về cho huyện, cho tỉnh”. Hội thi trải qua 3 vòng: nghiệp vụ thư viện; thể hiện một hoạt động tuyên truyền, giới thiệu sách; trả lời câu hỏi ứng xử. Cô Vũ Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Dục cho biết: Về nghiệp vụ thư viện, có lẽ do là thí sinh trẻ nhất nên Hạnh trả lời không trọn vẹn câu hỏi. Tuy nhiên, đến vòng thi thứ 2, Hạnh đã tạo cho Ban Giám khảo hội thi ấn tượng sâu sắc bởi tập truyện ngắn em giới thiệu.

Ðể tìm được một cuốn sách hay và ý nghĩa dự thi, Hạnh đã bao đêm thức trắng suy nghĩ. Hạnh chia sẻ: Thị trường sách hiện nay rất phong phú và đa dạng. Ðể chọn được cuốn sách hay không khó nhưng để cuốn sách đó phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học thì không phải dễ tìm. Bản thân cô đã nghĩ đến một số tác phẩm của các tác giả nổi tiếng chuyên viết truyện cho trẻ em như: Chắp cánh thiên thần (Duy Tuệ), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Không gia đình (Hector Malot) hay một số truyện ngắn của Nguyễn Nhật Ánh… Những tác phẩm tuy hay, ý nghĩa nhưng nó không phù hợp với tâm lý của học sinh cấp I. Rồi Hạnh vui mừng khi được đọc tuyển tập truyện ngắn Cây bàng không rụng lá của tác giả Phong Thu. Tập truyện ngắn được nhà văn tuyển chọn mang đề tài về những điều gần gũi nhất với các em như: tình cảm gia đình, tình bạn, những vẻ đẹp đời thường dường như bị khuất lấp, những bài học làm người sơ đẳng nhưng cần thiết cho sự phát triển nhân cách của các em... Ðó là những bài học đạo đức không bao giờ cũ.

Khi đã chọn được cuốn sách ưng ý, bằng giọng kể giản dị và chân thành, Hạnh mang đến học sinh toàn trường những bài học ý nghĩa về cách làm người. Cô tâm sự: Sau khi được nghe những câu chuyện trong tác phẩm Cây bàng không rụng lá, có rất nhiều học sinh đã biết giúp bố mẹ nấu cơm, trông em hay giúp người già qua đường. Ðược sự giúp đỡ của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học An Dục và những người giàu kinh nghiệm về công tác thư viện trong huyện, Hạnh đã hoàn thành phần thi sáng kiến kinh nghiệm, được Ban Giám khảo hội thi đánh giá cao.

Ở phần thi trả lời câu hỏi ứng xử, nhà thơ Trần Ðăng Khoa đã hỏi Ðoàn Thị Mỹ Hạnh: Em đánh giá thế nào về tên của hội thi? Hạnh trả lời: Hội thi Cán bộ, giáo viên thư viện giỏi toàn quốc là sân chơi và cũng là nơi thử sức của những người làm công tác thư viện. Giáo viên thường xuyên gần gũi với học sinh nên sẽ hiểu tâm tư và tình cảm của các em hơn cán bộ thư viện. Tuy nhiên, dù ở vị trí nào, mục đích chung của chúng tôi là muốn mang đến cho học sinh những bài học về cuộc sống thông qua những câu chuyện đời thường, chuyện cổ tích… Sau câu trả lời của Hạnh, nhà thơ Trần Ðăng Khoa đã nhận xét: Tôi nghĩ em là giáo viên thư viện chứ không phải là cán bộ thư viện. 

Ðối với Ðoàn Thị Mỹ Hạnh, sách chính là món quà tinh thần mà cuộc sống mang lại cho cô. Lúc vấp ngã hay gặp khó khăn, những câu chuyện tưởng như chỉ dành cho con trẻ lại là động lực để Hạnh đứng lên và vượt qua những thử thách.

Chia tay chúng tôi, Hạnh nói: Nguyện vọng lớn nhất mà em mong muốn đó là tất cả học sinh sẽ được đọc những cuốn sách hay và ý nghĩa. Với những cố gắng của Hạnh, cô đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Ðào tạo tặng Bằng khen tại hội thi vừa qua.

Ðặng Anh

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày