Thứ 6, 05/07/2024, 16:25[GMT+7]

Càng lớn, càng bé (Kỳ 1)

Thứ 5, 14/12/2017 | 15:22:23
3,552 lượt xem
Tình trạng học sinh vi phạm Luật ATGT đang có dấu hiệu gia tăng theo từng cấp học. Càng lớn tuổi, ý thức chấp hành Luật của học sinh, thậm chí là phụ huynh càng giảm.

Kỳ 1: Học sinh vi phạm giao thông: Nói mãi chẳng sửa

Video: thuctrang1812217_web.mp4

Vội, nóng hay nhà gần trường có lẽ chỉ là 3 trong số hàng chục lý do mà những học sinh, phụ huynh trong clip trên đưa ra.

Với tốc độ 50 – 60km/giờ, những chiếc xe máy điện, xe đạp điện giống như những chiếc xe phân khối lớn nối đuôi nhau, lạng lách, đánh võng. Không những thế, nhiều học sinh vừa lái xe, vừa cười đùa, thậm chí còn nghe điện thoại. Nhìn những cảnh tượng này, nhiều người thấy ái ngại, nhưng cũng có người tỏ ra hoang mang, lo lắng bởi nó diễn ra quá phổ biến.

Thư viện ảnh [71,76,70,72,73,75,74]

Một số hình ảnh vi phạm giao thông của học sinh và phụ huynh.

Từ những hình ảnh trên, chúng ta dễ dàng thấy được không phải chỉ có một, hai mà có rất nhiều học sinh vi phạm Luật ATGT. Theo ghi nhận đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh tham gia giao thông bằng xe máy, xe máy điện và xe đạp điện.

Không chỉ có học sinh, nhiều phụ huynh cũng trở thành đồng phạm khi vi phạm Luật ATGT. Họ không đội mũ bảo hiểm cho con, cho chính bản thân họ, hay đi sai phần đường, vượt đèn đỏ, vượt quá tốc độ cho phép... Khi gặp lực lượng chức năng thì phụ huynh lại đưa ra hàng loạt lý do để chống đối với lực lượng chức năng.

Theo thống kê mới đây của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có gần 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông mỗi năm, trong đó 90% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến học sinh cấp 3;  tỷ lệ tai nạn giao thông của học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất (khoảng 0,5 vụ/học sinh). Đây thực sự là những con số đáng báo động về tình trạng vi phạm trật tự ATGT liên quan đến học sinh.


Còn theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, Công an tỉnh Thái Bình, từ đầu năm 2017 đến nay đã có 108 trường hợp học sinh điều khiển xe máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm giao thông, trong đó 30 trường hợp bị cảnh cáo, 78 trường hợp bị xử lý. Qua xác minh, những học sinh này đều đang học tại các trường trung học trong tỉnh.

Tại Thái Bình, các cấp học từ mầm non đến THPT đều chú trọng công tác giáo dục Luật ATGT cho học sinh. Đặc biệt ở cấp trung học, ngoài việc dạy lồng ghép vào môn Giáo dục công dân, các nhà trường còn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật ATGT. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình vẫn nuông chiều, lực lượng chức năng không nỡ “mạnh tay” xử phạt, còn trường học mới chỉ “giơ cao đánh khẽ”.

Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
       
Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
  • Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.
  • Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.


(Còn nữa)

Nhóm phóng viên