Thứ 6, 05/07/2024, 15:52[GMT+7]

Thành phố: Lập lại trật tự đô thị

Thứ 4, 10/01/2018 | 11:02:55
679 lượt xem
Tuyến đường Lý Bôn, nhất là khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, chợ cầu Nề từng được xem là điểm nóng đến nay đã thông thoáng hơn khi không còn tình trạng bán hàng rong, các hộ buôn bán tự sắp xếp, thu dọn theo đúng quy định, bảo đảm lòng đường, lối đi dành cho người đi bộ.

Đây được xem là nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và hơn hết là ý thức của các hộ kinh doanh.

Với chủ trương tuyên truyền là chính, cưỡng chế, xử lý vi phạm chỉ là biện pháp cuối cùng, sau nhiều đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, đến nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường trên địa bàn thành phố Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức của người dân từng bước được nâng cao và đi vào nền nếp.

Quan sát nhiều tuyến phố, vỉa hè của thành phố Thái Bình những ngày này, nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi khác về trật tự đô thị, nhiều tuyến đường đã trở nên thoáng đãng, xanh, sạch, đẹp. Không còn hiện tượng sử dụng vỉa hè làm nơi buôn bán, đỗ xe; không còn mái che, mái vẩy sai quy định, người dân có thể thoải mái đi bộ trên vỉa hè. Để có được kết quả này là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ phía người dân thành phố. Những năm qua, thành phố Thái Bình đã tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, diện mạo đô thị ngày càng đổi thay. Tuy nhiên, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn diễn ra phức tạp. 

Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 8/3/2017 và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 17/5/2017 của UBND tỉnh về việc giải tỏa, chống lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường, hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, UBND thành phố đã triển khai quán triệt và tổ chức cho các đồng chí bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND các phường, xã ký cam kết lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Thành lập đội kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn. Lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên bám sát cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chỉ đạo 19/19 phường, xã trên địa bàn đồng loạt ra quân tuyên truyền, vận động, tổ chức lực lượng hỗ trợ các tổ chức, gia đình, cá nhân thu dỡ mái che, mái vẩy, lều bạt, biển quảng cáo… vi phạm. 

Theo đồng chí Phạm Đức Học, Phó Chủ tịch UBND thành phố, lập lại trật tự đô thị là việc làm hết sức khó khăn do tâm lý của người dân vẫn coi vỉa hè là của nhà mình, sử dụng làm nơi kinh doanh, buôn bán hoặc xây dựng các công trình lấn chiếm, khi xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích cá nhân. Vì vậy, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động trên các tuyến phố, thành lập các tổ công tác gồm nhiều lực lượng đến từng gia đình, cơ quan, doanh nghiệp tuyên truyền, ký cam kết về việc không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Sau đợt ra quân đồng loạt, các địa phương đã tổ chức ký cam kết với 49.375 gia đình, thu dỡ 85 công trình nhà cấp 4 và 6.255 mái che, mái vẩy, mái hiên di động, 2.364 biển hiệu quảng cáo; chấn chỉnh, xử lý nhắc nhở 143 điểm tập kết vật liệu xây dựng sai quy định và thu dỡ, xử lý 1.060 trường hợp che khuất tầm nhìn và các vi phạm khác. 

Sau đợt ra quân đồng loạt, UBND thành phố đã tăng cường quản lý, chống tái lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng, lề đường; đầu tư 10 xe chuyên dùng trang bị cho công an 10 phường nội thành để phục vụ công tác bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; lực lượng công an thành phố, các phường, đội kiểm tra, giám sát của thành phố sử dụng xe chuyên dùng duy trì tuần tra, nhắc nhở, đôn đốc xử lý vi phạm…

Tuyến đường Lý Bôn, nhất là khu vực cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Phụ sản, Trường Đại học Y Dược Thái Bình, chợ cầu Nề từng được xem là điểm nóng đến nay đã thông thoáng hơn khi không còn tình trạng bán hàng rong, các hộ buôn bán tự sắp xếp, thu dọn theo đúng quy định, bảo đảm lòng đường, lối đi dành cho người đi bộ. Đây được xem là nỗ lực của ngành chức năng và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, nhắc nhở và hơn hết là ý thức của các hộ kinh doanh. 

Ông Nguyễn Văn Vượng, Chủ tịch UBND phường Kỳ Bá cho biết: Để ngăn chặn tình trạng tái diễn vi phạm khi lực lượng chức năng rút đi, UBND phường đã huy động MTTQ, các đoàn thể, các tổ dân phố, đặc biệt là người dân tham gia giám sát, tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. 

Bà Đỗ Thị Thành, tổ 7, phường Lê Hồng Phong chia sẻ: Gia đình tôi kinh doanh trên đường Hai Bà Trưng từ nhiều năm nay. Ban đầu mới nghe chủ trương thành phố về lập lại trật tự đô thị, tôi rất lo việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, tôi thấy phố phường thông thoáng, sạch đẹp, đi lại cũng an toàn thuận tiện hơn, việc kinh doanh của gia đình cũng không bị ảnh hưởng gì. Nếu thành phố duy trì thường xuyên, triệt để, không có ngoại lệ sẽ tạo được sự đồng tình trong nhân dân.

Để việc lập lại trật tự, tạo mỹ quan, văn minh đô thị đạt hiệu quả, ngoài sự tích cực vào cuộc của ngành chức năng thì quan trọng vẫn là ý thức người dân, các hộ kinh doanh. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động sẽ được thành phố tiến hành thường xuyên, tất cả vì mục tiêu xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và an toàn.

Minh Nguyệt