Thứ 2, 08/07/2024, 16:50[GMT+7]

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Văn Sưu ba lần bắn rơi máy bay Mỹ

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:54:51
4,240 lượt xem
33 năm trong quân ngũ và gần 10 năm chuyển ngành nhưng Đại tá Bùi Văn Sưu, Trung đoàn 923, Sư đoàn 371 (Quân chủng Phòng không - Không quân) vẫn tự nhận mình có duyên với bầu trời. Ông đã 3 lần được tặng Huy hiệu Bác Hồ, 5 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công và vinh dự lớn nhất là năm 2014 ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Anh hùng Bùi Văn Sưu trò chuyện với phóng viên.

Căn nhà Đại tá Bùi Văn Sưu nằm trong con phố Lê Trọng Tấn, quận Thanh Xuân (Hà Nội), phía trước là Bảo tàng Phòng không - Không quân. Cả một đời gắn bó với những chiếc máy bay chiến đấu rồi máy bay dân dụng nhưng cuộc sống của ông vẫn bình dị, đời thường. Nếu có gặp, ít ai biết ông là một anh hùng không quân với bề dày thành tích diệt máy bay địch. Ở tuổi 76, giọng ông vẫn hào sảng khi nhắc tới chuyện chiến trường.


Năm 1961, Bùi Văn Sưu tạm biệt quê hương Đông Huy (Đông Hưng) lên đường nhập ngũ và may mắn ông là một trong số ít học viên lái máy bay tiêm kích đầu tiên của Việt Nam tại Trường Không quân Liên Xô. Trong suốt thời gian học tập, Bùi Văn Sưu đều đạt học viên loại giỏi và ra trường với tấm bằng đỏ xuất sắc. Ngày 5/8/1964, khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” dùng không quân, hải quân leo thang ra đánh phá miền Bắc, ông được lệnh về nước tham gia chiến đấu.


Anh hùng Bùi Văn Sưu cho biết: Sau khi về nước, tôi được biên chế vào Phi đội 3, Trung đoàn 921. Những tháng đầu năm 1965, tôi tham gia huấn luyện bay cùng với lớp phi công trước của Trung đoàn như anh Phạm Ngọc Lan, Nguyễn Nhật Chiêu, Lâm Văn Lích… để sẵn sàng trực ban chiến đấu ban ngày. Sau đó, Liên Xô viện trợ cho ta loại máy bay MiG 21 thì tôi được giao nhiệm vụ bay trinh sát khí tượng kết hợp làm quen sân bay cho phi công Liên Xô trước khi bàn giao cho Trung đoàn 923.


Thời gian ở Trung đoàn 923, phi công Bùi Văn Sưu đã tham gia trực chiến hàng trăm ban, cả ngày lẫn đêm ở các sân bay: Kiến An (Hải Phòng), Gia Lâm, Đa Phúc, Hòa Lạc (Hà Nội) và Kép (Bắc Giang). Ông có 55 lần xuất kích ban ngày, 29 giờ tham gia nhiệm vụ sơ tán trên không, nghi binh, yểm trợ, cản phá thành công ý đồ của địch đánh vào các mục tiêu được bảo vệ. Từ tháng 9/1967 đến tháng 2/1968, phi công Bùi Văn Sưu đã trực tiếp bắn rơi 3 máy bay F4 của không quân Mỹ. Tiêu biểu như trận đánh ngày 17/12/1967 là ngày tổ chức đánh hiệp đồng giữa MiG 21 và MiG 17 của không quân ta, cũng là ngày giành thắng lợi giòn giã. Trong trận không chiến này, biên đội MiG 21 đã bắn rơi tại chỗ 3 máy bay F105 của Mỹ. Biên đội MiG 17 bắn rơi 2 chiếc sau khi đã kéo biên đội F4 của địch xuống đánh quần ở độ cao thấp, trong đó phi công Bùi Văn Sưu bắn rơi tại chỗ 1 chiếc.


Không chỉ lập thành tích tìm diệt máy bay địch trên bầu trời, phi công Bùi Văn Sưu còn tích cực tham gia ý kiến xây dựng cách dẫn đường mặt đất, dẫn khu vực với phương châm “Tự đi, tự tìm, tự đánh, tự về”, hạn chế sử dụng đối không để bảo đảm bí mật, bất ngờ. Ngoài ra, về kỹ thuật bay tăng cường bay thấp, cực thấp và bay lách núi. Đây là những kỹ thuật khó đòi hỏi người phi công phải có kỹ năng, kinh nghiệm và sự mưu trí, dũng cảm trong xử lý các tình huống để không nguy hiểm đến tính mạng.
Tháng 5/1968, phi công Bùi Văn Sưu được điều động từ Trung đoàn 923 sang nhận nhiệm vụ mới ở Trung đoàn 925. Lúc này Bùi Văn Sưu là Đại đội trưởng Đại đội 2, bay chuyển loại sang MiG 19. Vừa tham gia chiến đấu, vừa tổ chức huấn luyện bay, ở nhiệm vụ nào, ông cũng tâm huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với phi công Bùi Văn Sưu được bay trên bầu trời không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà hơn hết là trách nhiệm thiêng liêng với Tổ quốc. Mỗi trận chiến đều có một dấu ấn nhưng có lẽ trận chiến 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” từ ngày 17/12 - 29/12/1972 đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm đáng nhớ.

Ảnh minh họa.


Anh hùng Bùi Văn Sưu nhớ lại: Đêm ngày 27/12/1972, tôi chỉ huy trực tiếp ở sân bay Yên Bái cho chiến sĩ Phạm Tuân, phi công lái máy bay MiG 21 cất cánh bắn rơi máy bay B52 của Mỹ và về hạ cánh trong điều kiện sân bay không có đèn đêm phải dùng đuôi bom đổ cát tưới dầu đặt một hàng bên trái đường băng. Mỗi đuôi bom cách nhau 100m, một chiến sĩ đứng bên, khi có lệnh (pháo xanh) thì châm lửa thắp sáng hàng đuôi bom để máy bay cất, hạ cánh. Khi có lệnh (pháo đỏ) thì dùng khăn đã nhúng nước dập lửa. Khi có thông tin B52 được mệnh danh là “quả đấm thép” của Mỹ bị không quân của ta bắn rơi, anh em trong đơn vị vui mừng khôn siết. Vượt qua gian khó, trong 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.


33 năm (1961 - 1994) là cả một hành trình dài điều khiển những “con chim sắt” trên bầu trời, Anh hùng Bùi Văn Sưu được bay 4 loại máy bay MiG 18a, MiG 17, MiG 19 và MiG 21 với thời gian tích lũy 1.300 giờ,  bảo đảm an toàn tuyệt đối cả trong chiến đấu và huấn luyện bay. Vinh dự hơn cả chính là ngày 2/9/1975 - Quốc khánh đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, Bùi Văn Sưu dẫn đầu đội hình 12 máy bay MiG 19 bay duyệt binh qua Quảng trường Ba Đình.


Anh hùng Bùi Văn Sưu tâm sự: Cuối năm 1993, tôi nhận quyết định thôi bay và chuyển sang Cục Hàng không dân dụng Việt Nam công tác cho đến năm 2004 thì về hưu. Dù ở cương vị nào, đơn vị nào tôi cũng luôn nhắc nhở bản thân mình phải phát huy phẩm chất truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu, tận tụy với công việc. Tôi cũng luôn tự hào là người con quê hương Thái Bình góp thành tích nhỏ bé của mình vào trang sử hào hùng chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Thiên Ân
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)