Thứ 2, 19/05/2025, 19:12[GMT+7]

Mưa lớn, sạt lở đất làm 16 người thương vong và nhiều thiệt hại

Thứ 2, 19/05/2025 | 16:10:43
243 lượt xem
Theo thống kê Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 19-5, mưa lớn, sạt lở đất đã làm 9 người chết và 7 người bị thương cùng với nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương.

Tỉnh lộ 258B bị sạt lở, gây mất an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông. (Ảnh: Vũ Hoàng Giang/TTXVN)

Theo thống kê sơ bộ của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 16-19/5 (tính đến 9h ngày 19-5), mưa lớn, sạt lở đất đã làm 9 người chết (Lai Châu 5 người, Bắc Kạn 4 người); 7 người bị thương (Lai Châu 4 người, Bắc Kạn 3 người) cùng với nhiều thiệt hại nghiêm trọng tại các địa phương.

Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa lớn đã làm hư hỏng 23 ngôi nhà ở huyện Na Hang, gây ngập úng tại thị trấn Na Hang; 1 trang trại chăn nuôi ở thị trấn Na Hang bị đất sạt lở vùi lấp 500 con gà, 100 con ngan và 10 con lợn; 120m3 bê tông tuyến đường liên thôn xã Sơn Phú, huyện Na Hang bị sạt lở; nhiều tuyến đường trên địa bàn thị trấn Na Hang bị sạt lở làm nhiều tài sản, vật dụng bị hư hỏng, cuốn trôi do sạt lở đất vào nhà, ngập nước tại thị trấn Na Hang. Ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Mưa lớn đã làm nhiều nhà bị ngập, sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng (Hà Giang 3 nhà bị sạt lở taluy, Tuyên Quang, Cao Bằng 47 nhà bị sạt lở taluy, tỉnh Bắc Kạn đang rà soát, thống kê); 190,05ha hoa màu bị thiệt hại (Cao Bằng 157,05ha, Bắc Kạn 28ha, Hà Giang 5ha); 26,33ha lúa bị thiệt hại (Cao Bằng 9,23ha, Bắc Kạn 13ha, Hà Giang 4,1ha); 700 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi (Bắc Kạn 90 con; Tuyên Quang 610 con); 7 cầu bị trôi, hư hỏng, 4 cột điện bị hư hỏng (Bắc Kạn); 1 điểm trường (Hà Giang) và 1 nhà văn hóa (Cao Bằng) bị hư hỏng; một số tuyến đường liên xã tại các tỉnh bị sạt lở...

Đối với tỉnh Điện Biên, động đất trên địa bàn huyện Mường Chà đã làm 8 nhà, 4 điểm trường, 1 trạm y tế, 3 trụ sở làm việc bị nứt tường. Ước thiệt hại khoảng 1.850 triệu đồng.

Do ảnh hưởng của dòng chảy, đoạn sạt lở nằm ngay khúc cua cong gắt của dòng chảy rạch ông Chưởng, trên Tỉnh lộ 946, thuộc xã Long Điền B, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã khiến 10 căn nhà ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng.

Mưa to, kết hợp triều cường dâng cao tại tỉnh Bạc Liêu đã làm sạt lở đất tuyến kênh 30-4 thuộc khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát (gần cống ngăn triều), thành phố Bạc Liêu

Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã cử đoàn công tác do ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Cục trưởng làm trưởng đoàn lên Bắc Kạn để phối hợp với địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả, kiểm tra tình hình và hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương bị thiệt hại đã đến thăm hỏi động viên những gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng xuống cơ sở để nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại, hướng dẫn hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân.

Để tiếp tục chủ động trong ứng phó với diễn biến thiên tai phức tạp thời gian tới, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng lực lượng tại chỗ, kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, nhất là tại những khu vực đã bị thiệt hại do mưa lớn thời gian vừa qua.

Riêng đối với tỉnh Bắc Kạn, khẩn trương di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm (sau sạt lở, một lượng lớn đá đã tích tụ hình thành một đập tự nhiên tại vị trí cầu qua suối ở bản Phiêng Khăm, hiện đang có hai hộ dân trong phạm vi nguy hiểm); đồng thời, triển khai ngay các biện pháp cảnh báo cho người dân về tình trạng nguy hiểm của đập tạm này. Sớm có giải pháp xử lý, khơi thông dòng chảy để ngăn chặn nguy cơ trước khi bước vào cao điểm mùa mưa bão.

Các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn theo Công điện số 15/CĐ-TTg ngày 17-2-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, tỉnh An Giang cần bố trí lực lượng thường trực theo dõi diễn biến, rà soát phạm vi ảnh hưởng của khu vực sạt lở tại rạch Ông Chưởng, xã Long Điền B, huyện Chợ Mới để tiếp tục sơ tán, di dời các hộ dân có nguy cơ cao đến nơi an toàn; nghiên cứu biện pháp xử lý, khắc phục và huy động nguồn lực để thực hiện.

Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia đề nghị Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh nêu trên duy trì nghiêm chế độ ứng trực, chủ động rà soát các phương án, kế hoạch ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; không để bị động, bất ngờ, đặc biệt là nguy cơ mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống.

Cùng đó, huy động lực lượng, phương tiện giúp đỡ nhân dân nhằm bảo đảm tuyệt đối tính mạng, hạn chế thiệt hại tài sản của nhà nước và nhân dân.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh kịp thời tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, nhất là các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, lũ ống, ngập sâu; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, kiên quyết di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ", tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất.

Đồng thời, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, nhất là việc đi lại qua ngầm tràn, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu.

Chủ động huy động lực lượng, phương tiện để triển khai công tác khắc phục hậu quả thiên tai; bố trí lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia cũng đề nghị Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả lũ quét tại các xã Đồng Phúc, Yến Dương huyện Ba Bể, động viên thăm hỏi các gia đình có thân nhân bị chết, bị thương, nhanh chóng ổn định đời sống.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh nêu trên tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Theo: vietnamplus.vn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày