Thứ 2, 08/07/2024, 13:07[GMT+7]

Thái Bình thực hiện thành công Đề án "Hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công với cách mạng giai đoạn 2012 - 2013"

Thứ 6, 26/07/2013 | 09:11:57
1,298 lượt xem
Trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác giải quyết tồn đọng sau chiến tranh. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa, được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ và có hiệu quả thiết thực, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với người và gia đình có công. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ đã trở thành công trình lịch sử văn hóa có tác dụng giáo dục truyền thống các

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành dâng hương tại di tích lịch sử Hàng Dương (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu).

Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, Thái Bình đã đóng góp sức người, sức của rất lớn cho tiền tuyến. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa hơn 400.000 lượt người lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ trên khắp các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Kháng chiến thành công, toàn tỉnh có trên 51.000 liệt sĩ; trên 32.000 thương binh, bệnh binh các loại; gần 28.000 người nghi nhiễm chất độc da cam/Điôxin, gần 6.000 người hoạt động cách mạng bị địch bắt, tù đày.

Tổng kết thành tích trong kháng chiến, Thái Bình có 95 tập thể, 74 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; gần 1.300 người được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận người hoạt động cách mạng trước cách mạng tháng Tám năm 1945; 2.201 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn tỉnh có 341.000 đối tượng được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; 98% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác người có công; 98,3% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Thấm nhuần đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Lao động - TBXH), các bộ, ngành Trung ương, trong nhiều năm qua, tỉnh ta đã thực hiện tốt công tác giải quyết tồn đọng sau chiến tranh. Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và vận động xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa, được nhân dân đồng tỉnh ủng hộ và có hiệu quả thiết thực, góp phần chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với người và gia đình có công. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ đã trở thành công trình lịch sử văn hóa có tác dụng giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Phong trào xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, trong đó có các gia đình chính sách ngày càng được khơi dậy mạnh mẽ, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, hàng nghìn ngôi nhà của đối tượng chính sách bị xuống cấp đã được xây mới hoặc nâng cấp. Từ năm 2005 đến năm 2012, toàn tỉnh đã xây mới, tu sửa, nâng cấp 3.670 nhà ở cho người có công (trong đó 2.502 nhà xây mới, 1.168 nhà tu sửa, nâng cấp) với tổng kinh phí 150 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và xã hội hóa thông qua huy động Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" các cấp, vận động tài trợ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.

Năm 2012, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), Sở Lao động - TBXH đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng của tỉnh giai đoạn 2012 - 2013". Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ xây mới, tu sửa, nâng cấp 2.702 nhà ở của hộ gia đình người có công với cách mạng (trong đó 1.086 nhà xây mới, 1.616 nhà tu sửa, nâng cấp). Đến ngày 19/6/2013, toàn tỉnh đã xây dựng và bàn giao 2.678 nhà/2.702 nhà (đạt 99,1% kế hoạch của Đề án). Đến 22/7/2013, toàn tỉnh đã xây dựng 2.716 nhà/2.702 nhà (vượt 14 nhà so với mục tiêu của Đề án), trong đó xây mới 1.889 nhà, tu sửa nâng cấp 827 nhà với tổng kinh phí đầu tư gần 120 tỷ đồng.

Việc hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu của Đề án đã thể hiện sự nỗ lực, đồng thuận và quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình trong việc xóa nhà ở dột nát cho người có công, mang ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, góp phần giữ vững ổn định chính trị xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh nhà nói riêng, cả nước nói chung.

Rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn tổ chức thực hiện là cách nâng cao chất lượng Đề án "Hỗ trợ cải thiện nhà ở cho người có công với cách mạng của tỉnh giai đoạn 2012 - 2013" theo hướng xã hội hóa. Để thực hiện tốt Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh cần thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể sau:

Một là: Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với việc thực hiện chính sách đối với người và gia đình có công với cách mạng, đặc biệt trong công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở người có công.

Hai là: Cần tăng cường hơn nữa sự phối kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ban, ngành có liên quan và các địa phương trong tổ chức thực hiện; phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các đoàn thể trong việc triển khai thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, thực hiện đúng quy trình xét duyệt.

Ba là: Tiếp tục làm tốt phong trào xã hội hóa công tác người có công và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", phát huy sức mạnh của Nhà nước, cộng đồng và bản thân người có công; động viên các gia đình thương, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng  nỗ lực để cải thiện nhà ở.

Bốn là: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước sâu rộng trong quần chúng nhân dân để người dân nắm rõ và hiểu các chế độ, chính sách.

Năm là: Đội ngũ cán bộ làm công tác Lao động - TBXH từ tỉnh đến cơ sở là lực lượng nòng cốt trong việc tham mưu cho cấp ủy Đảng và chính quyền triển khai, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Vì thế cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác chính sách, đặc biệt là ở cấp cơ sở.

Nguyễn Tiến Vỳ
(Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Lao động - TBXH)

  • Từ khóa