Thứ 2, 08/07/2024, 12:43[GMT+7]

“Xin cảm ơn người, người mẹ của tôi”

Thứ 2, 29/07/2013 | 10:57:41
172 lượt xem
Bao nhiêu năm rồi vậy mà mỗi lần đến Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, nghĩ về con, đôi mắt mẹ lại rưng rưng. Tình thương của người mẹ dành cho đứa con hy sinh ở tuổi mười tám, đôi mươi chẳng bao giờ nguôi ngoai trong lòng.

Mẹ Nguyễn Thị Lụt và con trai là thương binh.

Mẹ năm nay đã ở tuổi 90. Ngày xưa gia đình mẹ có 10 anh chị em, mẹ sinh đúng vào năm lụt lớn nên cha mẹ đặt tên là Lụt cho nhớ để rồi cuộc đời mẹ bôn ba, vất vả như được báo trước bởi cái tên của mẹ vậy. Kể về con gái của mẹ, liệt sĩ Chu Thị Sửu, mẹ tự hào: “Nó - (Liệt sĩ Sửu - PV) rất ngoan. Từ bé đã biết tự lập, biết chăm sóc bản thân và giúp mẹ. Nó rất thương mẹ, nhưng rồi tiếp bước người cha, năm 1965 nó đi thanh niên xung phong ở tận Thanh Hóa.

Mẹ thương nó song mẹ hạnh phúc vì con mẹ ra đi là phụng sự cho cách mạng”. Lòng mẹ hạnh phúc nhưng mẹ hiểu có hạnh phúc nào trọn vẹn khi đất nước chìm trong lửa đạn chiến tranh. Cũng vì chiến tranh mà chồng mẹ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1949  để lại hai con thơ và người vợ mới 21 tuổi xuân. Thương con, mẹ ở vậy. Ðôi quang gánh trên vai với một bên là cậu con trai hai tuổi, bên kia là cô con gái chưa được một năm, mẹ vừa đưa con chạy loạn vừa làm thuê, làm mướn, thay chồng nuôi con khôn lớn.

Một ngày giáp tết năm 1965, người con gái ùa vào lòng mẹ thủ thỉ: “Mẹ cho con đi thanh niên xung phong nhé”. Dù thảng thốt nhưng rồi cũng như nhiều bà mẹ thời chiến, mẹ đã không thể ngăn cô con gái trở thành thanh niên xung phong. Mẹ nhớ, thư nào chị cũng nói mẹ phải vui chứ đừng buồn, phải giữ sức khỏe chờ ngày chị về mẹ con xum họp. Rồi chị được nghỉ phép về nhà 10 ngày, đâu có ngờ đấy lại là lần cuối cùng mẹ con gặp nhau.

Năm 1967, trong một trận Mỹ đánh bom tọa độ, người con của mẹ mãi mãi không về. Ngày nhận tin con hy sinh, lòng mẹ đứt từng khúc ruột, nước mắt mẹ ướt đầm. Bữa cơm nào của mẹ cũng chứa chan nước mắt. Hằng đêm, mẹ vẫn nằm mơ thấy chị về, lúc thì cười nói ríu rít, lúc nhảy chân sáo quanh nhà, nhưng lần nào chị cũng ở xa mẹ, mẹ muốn ôm chị vào lòng mà không sao chạm được vào. Ðôi mắt in dấu thời gian rưng rưng lệ.

Năm 1967, mẹ lại tiễn người con trai Chu Văn Thạo lên đường nhập ngũ chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Năm 1972 anh bị thương mất một cánh tay, khi đó do thông tin khó khăn nên tin đến với mẹ là anh đã hy sinh khiến mẹ tưởng không thể vượt qua nỗi đau lần thứ ba ấy. Sau này biết chính xác anh chỉ bị thương rồi ngày được đón anh còn sống trở về, mẹ sung sướng hạnh phúc mà không còn nước mắt để rơi.

Giờ ở tuổi 90 tuổi, mẹ vẫn dạy con cháu phải sống sao có ích cho xã hội, phải biết nhớ công ơn của những người đã hy sinh cho dân tộc, cho đất nước. Tuổi cao, mẹ thường hay thẫn thờ vì nhớ chồng, nhớ con, nhất là vào những ngày lễ, ngày tết. Ðã bốn mươi sáu năm, lòng mẹ không lúc nào nguôi ngoai nỗi nhớ về người con hy sinh ở cái tuổi đẹp nhất của đời người.

Trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, đã có biết bao bà mẹ như mẹ Nguyễn Thị Lụt ở xã Hoa Nam, huyện Ðông Hưng tiễn chồng con ra trận để rồi bao lần họ khóc thầm lặng lẽ. Dù thương nhớ chồng con khôn nguôi, dù phải sống trong cô đơn song các mẹ đều cho rằng khi đó là do hoàn cảnh chiến tranh, phải chấp nhận hy sinh vì độc lập của Tổ quốc.

Chiến tranh đã trôi qua gần 40 năm, chúng ta, thế hệ sinh ra trong thời bình chỉ biết về chiến tranh qua các bộ phim ảnh, qua các giờ học lịch sử, qua lời kể của cha, của mẹ, của các cựu chiến binh. Thế nhưng, quanh ta vẫn còn rất nhiều nhân chứng sống của hai cuộc kháng chiến, trong đó có những người vợ, người mẹ liệt sĩ như mẹ Lụt. Vẫn còn đó nỗi thương nhớ chồng con khôn nguôi.

Cứ mỗi dịp tháng 7, đất nước ta lại ngập tràn sắc hoa và những tấm lòng tưởng nhớ về những người con đã hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Họ là con gái, con trai của những người mẹ tảo tần sớm hôm gánh gạo nuôi chồng, nuôi con đánh giặc. Ðạo lý “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở mỗi chúng ta hãy quan tâm những người lính trở về sau chiến tranh, những người mẹ có con đã hy sinh vì Tổ quốc. Với họ, mối quan tâm sâu sắc ấy là những phút giây thắm đượm nghĩa tình để họ yên lòng khi “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”. Tháng 7, xin được gửi đóa hoa tươi thắm và ngàn lời cảm ơn đến những mẹ liệt sĩ. “Xin cảm ơn người, người mẹ của tôi”.

Bài, ảnh:  Mai Thư

 

  • Từ khóa