Thứ 2, 08/07/2024, 12:51[GMT+7]

Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin Thành phố Thái Bình Đoàn kết, tâm huyết, nghĩa tình, trách nhiệm với nạn nhân và người có công

Thứ 4, 31/07/2013 | 10:41:00
833 lượt xem
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, lớp lớp tuổi trẻ Thị xã Thái Bình (nay là Thành phố Thái Bình) đã trùng trùng đội ngũ lên đường ra mặt trận. Kết thúc chiến tranh, bên cạnh tấm huy chương và hào quang chiến thắng thì đã có không ít những người trực tiếp chiến đấu ở tiền tuyến phải gánh chịu một hậu quả khá nặng nề, khủng khiếp. Đó là bị nhiễm chất độc hóa học do quân đội Mỹ phun rải xuống các vùng hai bên tham chiến.

Đồng chí Cao Trung Thịnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Thành phố Thái Bình (thứ hai từ phải sang) trao tặng xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam.

Tính đến giữa năm 2013, trên địa bàn Thành phố chỉ riêng số người bị nhiễm chất độc da cam được xét duyệt hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng đã lên tới 1.892, trong đó nạn nhân trực tiếp là 1.586, nạn nhân gián tiếp là 307. Thực tế khảo sát cho thấy số người bị phơi nhiễm chất độc da cam lớn gấp nhiều lần số đã được hưởng trợ cấp. Hiện tại có 16 hội viên mắc bệnh ung thư, mấy năm qua đã có 99 hội viên từ trần. Trong số các nạn nhân gián tiếp ở thế hệ thứ hai, số còn khả năng học tập, lao động rất ít, phần lớn bị mù lòa, câm điếc, bại não, liệt, tâm thần, dị dạng, dị tật, không tự phục vụ được sinh hoạt của bản thân. Trong số gần 2.000 nạn nhân có 0,8% gia đình cả vợ và chồng, 8,8% gia đình có hai người, 1,1% gia đình có 3 người, 0,31% gia đình có 4 người là nạn nhân. Đã có gia đình cả 4 đứa con đều lần lượt ra đi vì mắc bệnh ung thư.

Xác định rõ những nét đặc thù của nạn nhân chất độc da cam nên ngay từ khi thành lập, đặc biệt là trong nhiệm kỳ II (2010 – 2013), Hội Nạn nhân chất độc da cam Thành phố đã rất chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Trước hết vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7), Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8), Hội tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước từ T.Ư đến địa phương về chăm sóc nạn nhân da cam. Những thông điệp mà Hội tập trung đưa tới toàn xã hội là: Năm 2005, trong Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học thuộc đối tượng người có công.

 Đã là người có công thì toàn xã hội phải có trách nhiệm đền ơn đáp nghĩa theo đúng đạo lý và truyền thống của dân tộc ta là uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây. Là tổ chức xã hội nhưng hội nạn nhân chất độc da cam có nét khác biệt rất cơ bản so với những tổ chức xã hội khác. Đó là các thành viên của hội không phải là đối tượng bảo trợ xã hội mà tất cả đều là cựu chiến binh, thanh niên xung phong, cán bộ dân chính đảng hoạt động ở miền Nam trước 30/4/1975. Chỉ có các hội nạn nhân chất độc da cam ở các tỉnh miền Nam, đến một thời điểm nhất định thu nhận cả binh sĩ chế độ cũ, cả nhân dân vùng bị rải chất độc và những người bị phơi nhiễm chất độc sau 30/4/1975 làm thành viên (ngoài đối tượng chủ chốt là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) thì khi đó hội mới thể hiện đầy đủ tính chất là tổ chức xã hội.

Do nhận thức được, khai thông và thống nhất nên tổ chức hội được từng bước củng cố, phát triển vững mạnh. Đầu nhiệm kỳ II, tổng số nạn nhân – hội viên mới có 1.271 người, đến nay con số đó đã nâng lên 1.965. Đã có 73 người không phải nạn nhân nhưng đã tự nguyện tham gia làm hội viên và hoạt động phục vụ hội. Trong tổng số hội viên có 36% là đảng viên, 3,38% là cấp ủy viên các cấp, 2,7% là cán bộ từ tổ dân phố đến các cơ quan ban ngành xã, phường, thành phố. Ngoài hội cấp thành phố và 19 xã, phường, đã hình thành 125 chi hội thôn, tổ dân phố. Từ Thành hội đến các hội cơ sở đều xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế hoạt động quy chế quản lý, sử dụng tài chính, quy chế kiểm tra theo đúng quy định của điều lệ và hướng dẫn của hội cấp trên.

Công tác vận động tạo nguồn chăm sóc giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam trong nhiệm kỳ II cũng được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả. Thành hội đã tích cực, chủ động vận động các tổ chức, cá nhân, các công ty, xí nghiệp trong và ngoài Thành phố, các nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, bước đầu đạt trên 505 triệu đồng. Hội cấp xã, phường cũng đã vận động ủng hộ được 684 triệu đồng. UBND các xã, phường hỗ trợ hội 121 triệu đồng. Việc vận động khu dân cư ủng hộ gây quỹ cũng được coi trọng, làm tốt nhất là hội các xã, phường: Tân Bình, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hoàng Diệu, Đề Thám, Bồ Xuyên, Đông Mỹ. Nhờ có số quỹ ngày càng tăng nên nhiệm kỳ II Thành hội đã hỗ trợ, sửa chữa, nâng cấp, làm nhà tình nghĩa 17 căn nhà trị giá 548 triệu đồng. Trợ cấp khó khăn cho 88 nạn nhân trên 29 triệu đồng. Tặng 1.588 suất quà, 20 xe lăn, xe đẩy, 110 chiếc quạt, bố trí cho 76 nạn nhân đi tẩy độc ở trung tâm của tỉnh. Giới thiệu đi phẫu thuật chỉnh hình cho một nạn nhân, mổ tim bẩm sinh một nạn nhân. Giới thiệu đi khám chữa bệnh bằng thuốc đông y miễn phí cho 246 nạn nhân với số tiền trị giá trên 61 triệu đồng. Số nạn nhân gián tiếp cũng được Hội quan tâm chăm lo. Đã có 22 nạn nhân gián tiếp được Trung tâm nhân đạo Hòa Bình hỗ trợ nuôi dưỡng tại gia đình đến cuối đời.

Trao đổi với chúng tôi về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ chung của Hội nhiệm kỳ III (2013 – 2018), đồng chí Cao Trung Thịnh, Chủ tịch Hội, sau khi nêu lên những đầu việc khái quát, cơ bản, những giải pháp thực hiện chủ yếu đã bộc bạch: “Hiện tại nguồn kinh phí để tổ chức hội triển khai các hoạt động gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nếu được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đầu tư nhiều hơn thì chắc chắn hiệu quả hoạt động của Hội tăng lên rõ rệt. Lẻ tẻ vẫn còn những cơ quan, ban, ngành đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân coi hội như một tổ chức xã hội thuần túy, xem việc ủng hộ nạn nhân chỉ là tình thương, nhân đạo, chứ không phải là đền ơn đáp nghĩa.

Còn khá nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong bị phơi nhiễm chất độc nhưng vì mất giấy tờ gốc nên chưa được xem xét giải quyết trợ cấp. Tiêu chí nhóm bệnh da cam cũng cần phải mở rộng, nếu cứ gò vào 17 bệnh thì rất nhiều người thiệt thòi. Tới đây phân chia nạn nhân làm 4 hạng để trợ cấp thì cần phải xử lý thế nào để tránh xảy ra bất hợp lý giữa người giám định những năm đầu với rất nhiều loại bệnh và người giám định những năm gần đây với chỉ 17 loại bệnh. Tuy nhiên tôi khẳng định dù ở bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào thì người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học ở Thành phố Thái Bình cũng một lòng một dạ đi theo Đảng, nghiêm túc thực hiện chính sách pháp luật, phấn đấu là cựu chiến binh, là TNXP gương mẫu, góp phần tích cực xây dựng Thành phố giàu đẹp, văn minh, xây dựng vùng ngoại thành sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới”.

Trần Kim Dung

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa