Thứ 6, 05/07/2024, 15:45[GMT+7]

Cải thiện cuộc sống cho các nạn nhân chất độc da cam bằng đầu tư vốn tạo việc làm Đầu tư nhỏ, hiệu quả cao

Thứ 6, 30/08/2013 | 08:32:20
713 lượt xem
"Cải thiện cuộc sống cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ bằng việc tạo ra quỹ thu nhập hoặc tạo việc làm" là Dự án do Hội Chữ thập đỏ Thụy Sỹ tài trợ, được triển khai thực hiện tại huyện Vũ Thư trong hai năm 2012 - 2013 thông qua Hội Chữ thập đỏ Thái Bình. Với các hoạt động thiết thực như tập huấn phương pháp sinh kế, kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, hỗ trợ vốn cho hộ gia đình đầu tư chăn nuôi, sản xuất, Dự án đã giúp nhiều hộ gia đình nạn nhân da cam thoát nghèo,

Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh và UBND huyện Vũ Thư trao giống, vốn chăn nuôi cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam. Ảnh: Hoàng Minh

Ông Phạm Đình Tân, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin xã Minh Lãng có gần 10 năm là bộ đội ở chiến trường Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Ông bị nhiễm chất độc da cam, đôi mắt không còn tinh tường. Có hai con đã lập gia đình đi ở riêng nhưng cả hai đều nghèo, không có khả năng phụ giúp ông bà lúc tuổi già. Tuổi cao, sức yếu, thu nhập chính của ông và vợ là từ mấy sào ruộng cấy lúa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Tháng 8/2012, được Dự án hỗ trợ 12 triệu đồng, ông quyết định mua bò giống với bài toán kinh tế: mua bò chỉ mất công chăn thả, mất ít tiền đầu tư vào thức ăn chăn nuôi. Ông Tân cho biết, chỉ trong 10 tháng được hỗ trợ đầu tư mà hiệu quả đã nhìn thấy rõ rệt. Đến nay, đàn bò sinh sôi; nếu bán cả đàn ông đã có trong tay hơn 30 triệu đồng, chỉ bán bê con cũng có gần 10 triệu đồng. Dự định của ông là tiếp tục mở rộng đàn bò hiện có.

Ngoài gia đình ông Phạm Đình Tân còn có 85 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại 6 xã của huyện Vũ Thư (Phúc Thành, Bách Thuận, Hồng Lý, Xuân Hòa, Vũ Hội, Minh Lãng) được Dự án hỗ trợ tiền đầu tư (trung bình từ 12 - 16 triệu đồng) phát triển chăn nuôi. Cùng với hỗ trợ vốn, các hộ gia đình còn được cán bộ, tình nguyện viên Dự án tư vấn, hướng dẫn về phương pháp sinh kế, kỹ thuật chăn nuôi, định hướng trong việc lựa chọn hình thức chăn nuôi, sản xuất phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, nhân lực gia đình cũng như điều kiện thực tế của địa phương.

Đã có 19 hộ chọn phương án nuôi bò, 66 hộ nuôi lợn và gia cầm. Triển khai từ tháng 8/2012, qua giám sát, đánh giá, các hộ hưởng lợi từ Dự án đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, việc đầu tư đem lại hiệu quả rõ rệt. Thu nhập bình quân của các hộ gia đình tăng thêm hơn 700.000 đồng/tháng. Điển hình như gia đình bà Hoàng Thị Là (xã Minh Lãng) được cấp vốn tháng 8/2012, đầu tư nuôi gà và chim bồ câu, số tiền lãi thu được sau 10 tháng là 10,2 triệu đồng. Gia đình ông Trần Văn Lành (xã Xuân Hòa) được cấp vốn tháng 8/2012 đã đầu tư mua bò mẹ đang mang thai, bò mẹ sinh sản bê con, thu lãi 16 triệu đồng...

Đại diện Hội Chữ thập đỏ Thụy Sỹ thăm gia đình nạn nhân chất độc da cam được hưởng lợi từ Dự án. Ảnh: Minh Sơn

Ông Ngô Quang Địch, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Xuân Hòa cho biết, Xuân Hòa có 17 hộ gia đình được Dự án hỗ trợ vốn với tổng kinh phí 162 triệu đồng. Có 3 hộ gia đình đầu tư mua bò giống, đến nay đàn bò của các gia đình đã nhân lên 6 con; 14 gia đình khác đầu tư nuôi lợn nái và gia cầm. Theo giám sát đến tháng 4/2013, 17 hộ gia đình đã thu lãi 127 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa đánh giá đây là một dự án ý nghĩa và đem lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho gia đình nạn nhân chất độc da cam mà còn đem lại niềm vui, tạo nên sự phấn khởi và thi đua lao động, tăng gia sản xuất. Vì vậy, mong mỏi của địa phương cũng như gia đình các nạn nhân chất độc da cam là mở rộng số hộ gia đình được đầu tư vốn, phát triển sản xuất, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo.

Bà Trần Thị Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Thư cho biết, tại 6 xã thực hiện dự án có 216 hộ cận nghèo và 255 hộ nghèo. Do điều kiện sức khỏe nên phần lớn các hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam là các hộ nghèo, cận nghèo. Việc hỗ trợ vốn cho các gia đình đầu tư sản xuất, thoát nghèo luôn là mong muốn của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương song trong điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, sự hỗ trợ này còn rất hạn chế.

Thực hiện Dự án "Cải thiện cuộc sống cho các nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ bằng việc tạo ra quỹ thu nhập hoặc tạo việc làm" có 50/215 hộ cận nghèo và 35/255 hộ nghèo tại 6 xã trên đã thoát nghèo. Vì vậy, trong thời gian tới Vũ Thư tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức, cá nhân giúp các hộ gia đình, đặc biệt các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ vốn, đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo, góp phần giảm số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện, xây dựng cuộc sống ấm no trong mỗi gia đình.

Trần Thu Hương

  • Từ khóa