Thứ 7, 29/06/2024, 08:57[GMT+7]

Hội Người mù thành phố: Điểm tựa của hội viên

Thứ 2, 24/06/2024 | 18:54:58
1,790 lượt xem
Để giúp người khiếm thị tự tin hòa nhập cộng đồng, Hội Người mù thành phố Thái Bình đã thực hiện tốt công tác chăm lo, giúp đỡ, tạo việc làm cho hội viên, trở thành điểm tựa giúp nhiều hội viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo Hội Người mù thành phố thăm xưởng sản xuất đồ gỗ của gia đình ông Vũ Ngọc Phụ, xã Vũ Chính.

Do bị khiếm thị bẩm sinh cả hai mắt, trước đây cuộc sống của ông Vũ Ngọc Phụ, xã Vũ Chính rất khó khăn. Song là trụ cột trong gia đình nên ông Phụ luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Người mù thành phố, năm 2014 ông Phụ được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi. 

Ông Phụ chia sẻ: Tôi từng rất mặc cảm vì không thể chia sẻ gánh nặng kinh tế giúp gia đình. Từ ngày được vay vốn, tôi đã cùng em trai đầu tư mở xưởng sản xuất đồ gỗ. Với số vốn vay 130 triệu đồng và nguồn tích góp của gia đình, hiện tại xưởng sản xuất đồ gỗ của tôi hoạt động ổn định. Mỗi tháng, thu nhập của tôi đạt 8 - 10 triệu đồng. Tôi cảm ơn các cấp, các ngành và Hội Người mù thành phố đã hỗ trợ vay vốn, tạo việc làm cho hội viên chúng tôi.

Giống như ông Phụ, bà Nguyễn Thị Diệp, xã Phú Xuân cũng là một trong những hội viên được Hội Người mù thành phố giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Năm 2000, một căn bệnh hiểm nghèo đã khiến đôi mắt bà Diệp mất đi ánh sáng. Bà buộc phải từ bỏ công việc dạy học, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn. Năm 2002, bà đã tìm đến Hội Người mù thành phố với mong muốn có được sự chia sẻ, đồng cảm và tìm được công việc phù hợp, giảm bớt gánh nặng cho gia đình. 

Bà Diệp cho biết: Vào Hội, tôi được học chữ nổi, học làm tăm tre và nghề tẩm quất. Các cán bộ và hội viên trong Hội đã giúp đỡ, động viên tôi rất nhiều. Hiện tại, tôi đang là kỹ thuật viên tại cơ sở dịch vụ tẩm quất của Hội, thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Cơ sở dịch vụ tẩm quất thuộc Hội Người mù thành phố tạo việc làm ổn định cho nhiều hội viên.

Hội Người mù thành phố hiện có 150 hội viên. Những năm qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động chăm lo, giúp đỡ hội viên như: thăm hỏi, tặng quà; dạy nghề, tạo việc làm; hỗ trợ hội viên vay vốn phát triển kinh tế... Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, đã có 438 lượt hội viên được tặng quà với tổng số tiền hơn 184 triệu đồng. Cơ sở dịch vụ tẩm quất, sản xuất tăm tre tập trung của Hội được duy trì, tạo việc làm thường xuyên cho 32 lao động. 6 tháng đầu năm nay, doanh thu sản xuất tăm tre của Hội đạt hơn 91 triệu đồng; doanh thu dịch vụ tẩm quất đạt gần 690 triệu đồng. 

Đặc biệt, với mục đích tạo sân chơi lành mạnh cho hội viên và người khiếm thị trên địa bàn thành phố, tháng 4/2024, Hội đã thành lập câu lạc bộ tẩm quất người mù thành phố Thái Bình gồm 36 thành viên. Tham gia câu lạc bộ, các thành viên được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi, tạo không khí vui tươi, phấn khởi.

Bên cạnh đó, để giúp hội viên phát triển kinh tế, Hội Người mù thành phố đã tạo điều kiện để hội viên vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi. Nhờ đó, đời sống của hội viên được cải thiện rõ rệt. Nhiều hội viên đã vươn lên có kinh tế khá giả như ông Vũ Ngọc Phụ, xã Vũ Chính; chị Bùi Thị Thơi, phường Bồ Xuyên, ông Đặng Văn Hợp, xã Vũ Đông... Ngoài ra, được sự giúp đỡ của Hội và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, đã có 98% hội viên được hưởng trợ cấp thường xuyên và cấp thẻ bảo hiểm y tế...

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố cho biết: Để làm tốt hơn nữa công tác chăm lo, giúp đỡ hội viên, Hội Người mù thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động để chăm lo, giúp đỡ hội viên trong đó chú trọng phát triển nghề tẩm quất, sản xuất tăm tre. Tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tăm tre, tìm nguồn nguyên liệu chất lượng cao, cải thiện mẫu mã để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Tích cực kêu gọi, vận động các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tài trợ kinh phí để tặng quà cho hội viên nhân dịp lễ, tết, đặc biệt là những hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Khảo sát, lập danh sách trẻ em khiếm thị trên địa bàn, đề nghị Tỉnh hội mở lớp học chữ nổi cho các em trong thời gian tới. Hội cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, tổ chức, nhà hảo tâm để mở rộng cơ sở dịch vụ tẩm quất, sản xuất tăm tre tập trung của Hội, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho cán bộ, hội viên khiếm thị được tốt hơn.  

Thu Hoài