Thứ 6, 05/07/2024, 13:19[GMT+7]

Nam Thịnh Chủ động phòng chống bão lụt

Thứ 6, 06/09/2013 | 15:03:10
1,374 lượt xem
Nằm dọc tuyến đê biển dài gần 6 km, cùng với vùng bãi triều gần 6.000 ha, Nam Thịnh có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, phương tiện tàu thuyền và tài sản đầu tư cho khai thác, nuôi trồng thủy sản khoảng 1.000 tỷ đồng. Song đây cũng là nguy cơ đe dọa mỗi khi đến mùa mưa bão, vì vậy từ tháng 5 - 10 hàng năm, Nam Thịnh đều chủ động phòng chống bão lụt (PCBL) để hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra.

Đê biển Nam Thịnh tuy được kiên cố hóa nhưng một số đoạn chưa có rừng phòng hộ, là nguy cơ đe dọa khi mùa mưa bão đến. Ảnh tư liệu: Phan Lợi

Nam Thịnh là xã ven biển thuộc phía Nam Tiền Hải, cách trung tâm huyện 15 km, gồm 5 thôn với 1.705 hộ, 6.650 nhân khẩu. Nằm dọc tuyến đê biển dài gần 6 km, cùng với vùng bãi triều gần 6.000 ha, Nam Thịnh có điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế, phương tiện tàu thuyền và tài sản đầu tư cho khai thác, nuôi trồng thủy sản khoảng 1.000 tỷ đồng. Song đây cũng là nguy cơ đe dọa mỗi khi đến mùa mưa bão, vì vậy từ tháng 5 - 10 hàng năm, Nam Thịnh đều chủ động phòng chống bão lụt (PCBL) để hạn chế thấp nhất hậu quả xảy ra.

Nhìn lại mùa mưa bão năm 2012, Nam Thịnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 4, 5, 8, đặc biệt hậu quả của bão số 8 gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh những nỗ lực triển khai phương án PCBL của huyện, của xã, Nam Thịnh cũng chỉ ra yếu kém là, về khách quan do cấp bão quá lớn (siêu bão) trong khi đê biển khó chống cự được của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả một số thành viên trong Ban Chỉ huy PCBL còn chủ quan, lơ là, dựa vào kinh nghiệm để suy đoán dẫn đến bị động khi bão số 8 đổ bộ vào đất liền.

Thêm vào đó, một số chủ vây ngao, hộ sinh sống ngoài đê lo sợ mất của cải, cố tình chống đối không chịu sơ tán vào nơi an toàn... Trước mùa mưa bão năm 2013, Nam Thịnh đã rà soát lại công trình đê, kè, cống để xây dựng phương án PCBL phù hợp, hiệu quả. Nền đê và thân đê có đoạn được đắp bằng đất cát pha, chân đê phía trong có nhiều đoạn bị cắt xén khi mưa to lớn kéo dài sẽ gây sạt lở mái đê phía đồng. Từ Km 21+280 đến Km 22+280 là rừng phi lao, sú, vẹt mới trồng chưa phát huy được tác dụng. Cống Hải Thịnh đã xuống cấp cần tu sửa tường đầu, tường cánh và phai dự phòng phía biển.

Cùng với đó, nhiều hộ dân còn có những hành vi vi phạm như xây lán trại chăn nuôi, trồng rau màu... trong hành lang bảo vệ công trình gây ảnh hưởng đến tuổi thọ và hạn chế tác dụng các công trình. Bà Trần Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã đã kiến nghị huyện xử lý theo thẩm quyền những công việc như sửa chữa, nâng cấp hệ thống cống tiêu Hải Thịnh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn đê điều... Đối với những vi phạm thuộc thẩm quyền của xã, UBND xã đã triệu tập các trường hợp vi phạm, lập biên bản và xử phạt hành chính, buộc các hộ hoàn trả mặt bằng.

Qua mùa mưa bão năm 2012, Nam Thịnh nhận thấy công tác huy động nhân lực còn thiếu kịp thời, vật tư huy động còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu huy động vật tư tại chỗ. Để chấn chỉnh, trước mùa mưa bão năm 2013, hai phần việc trên được giao cụ thể cho từng bộ phận, từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCBL và phổ biến đến từng hộ dân để thực hiện cũng như kiểm tra, giám sát.

Theo phương án, Ban Chỉ huy PCBL của xã gồm 32 người, 5 tiểu ban từ 5 - 10 người/tiểu ban và 7 tổ công tác. Lực lượng xung kích thực hiện PCBL gồm 500 người, chủ yếu được lấy từ nguồn dân quân tự vệ, dự bị động viên (250 người), số còn lại thuộc nhân lực của 5 thôn. Trưởng các tiểu ban, tổ trưởng các tổ công tác, các trưởng thôn bám sát phương án của xã phân công chi tiết đến từng thành viên, nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau bão, lụt.

Để bảo đảm liên lạc thông suốt, cùng với tổ thông tin tuyên truyền, xã bố trí 4 người trẻ, khỏe, nhiệt tình làm nhiệm vụ giao thông hỏa tốc. Tổ điện trực 24/24h trong những ngày có bão lụt, kiểm tra khắc phục kịp thời sự cố về điện, bảo đảm an toàn về người và thiết bị. Tiểu ban an ninh trật tự phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Lân tìm gọi các phương tiện, tàu thuyền vào nơi trú ẩn, kiên quyết đưa số lao động trông coi bãi ngao, vùng đầm vào đất liền, có trách nhiệm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, không để kẻ gian lợi dụng gây án.

Ngoài tổ chức thực hiện phương án di dân, tiểu ban hậu phương có nhiệm vụ kiểm tra các phai cống tiêu, chủ động điều hành khơi thông dòng chảy, thu dỡ vật cản để tiêu úng kịp thời, tổ chức điều hành nông giang và các hộ tiêu úng bảo vệ lúa màu. Tại mỗi thôn thành lập các tổ chuyên môn, tổ sơ tán dân, lấy Hội Phụ nữ làm nòng cốt, lực lượng Đoàn TNCS HCM đảm nhận hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình già cả, neo đơn, đặc biệt khó khăn. Tình huống nước lũ dâng cao, vỡ đê được đặt ra, việc sơ tán dân cũng có các địa điểm cụ thể: thôn Quang Thịnh và thôn Đồng Lạc sơ tán xuống Trường Tiểu học; thôn Hợp Châu sơ tán xuống Trường THCS; thôn Thiện Châu và Thiện Tường sơ tán về Trường Mầm non.

Trong trường hợp các địa điểm trên đều chật thì di chuyển dân đến địa điểm xã đã thống nhất trước với 2 xã Nam Thanh và Nam Thắng.  Nam Thịnh cũng chuẩn bị đầy đủ lượng vật tư cả về số lượng, chất lượng từ hai nguồn của Nhà nước và vật tư trong dân. Xã thống nhất với nhân dân bằng hình thức thu tiền, cùng với ngân sách xã chuẩn bị 2.500 bao bì, 1.000 cây phi lao, bạch đàn, 500 cây tre (dài trên 3 m, đường kính 8 - 10 cm). Số vật tư này được tập kết tại vị trí thuận tiện để huy động nhanh chóng, trong trường hợp không sử dụng sẽ thanh lý, tiết kiệm chi, giảm đóng góp cho dân. Xã chủ động chuẩn bị 3 máy phát điện, 4 xe ô tô và 10 xe rùa chuyên chở người và vật tư, phương tiện, ngoài ra tại mỗi thôn bố trí đủ các phương tiện, dụng cụ như xe thồ, cuốc, xẻng, trành, thúng, rổ... Đề phòng mưa bão kéo dài, bộ phận hậu cần dự trữ 30 triệu đồng, 500 kg gạo, các nhu yếu phẩm cần thiết và đủ cơ số thuốc. Công tác tổng hợp báo cáo, khắc phục hậu quả sau bão, lụt cũng được cụ thể hóa đến từng thành viên Ban Chỉ huy PCBL chậm nhất sau 5 giờ phải báo cáo đầy đủ, chính xác về huyện.            

Năm 2013, theo nhận định diễn biến thời tiết sẽ phức tạp, bất thường. Từ đầu mùa đến nay đã có 3 cơn bão số 2, 5 và 6 đổ bộ vào tỉnh ta, tuy gió không lớn nhưng đã có mưa to, kéo dài. Ngay trong tháng 8, theo thống kê, miền Bắc đã có 21 ngày mưa cho thấy không thể chủ quan dẫn đến mất chủ động. Cùng với chăm sóc, bảo vệ vụ mùa, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới, công tác PCBL được Nam Thịnh quan tâm chỉ đạo đồng bộ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quý III. Với sự chuẩn bị chu đáo của xã, tinh thần sẵn sàng vào cuộc của từng thành viên Ban Chỉ huy PCBL cùng với ý thức trách nhiệm của người dân, tin rằng Nam Thịnh sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tốt tính mạng và tài sản nhân dân.

 Phan Anh

  • Từ khóa