Thứ 4, 03/07/2024, 09:09[GMT+7]

Mưu sinh từ nghề thả ống lươn

Thứ 2, 28/10/2013 | 09:09:37
19,182 lượt xem
Buổi chiều hàng ngày là thời điểm “đội quân săn lươn” của thôn An Lộc, xã Trung An (Vũ Thư) tỏa đi khắp nơi, bắt đầu ngày làm việc của mình. Đặt ống lươn là cách bẫy lươn dân gian từ xưa để lại, trước kia người dân chỉ bẫy lươn phục vụ bữa ăn trong gia đình, nhưng ngày nay, bẫy lươn trở đã trở thành nghề kiếm sống, là công việc mang lại thu nhập chính của nhiều gia đình nơi đây.

Chuẩn bị mồi và phết mồi cho bẫy lươn

Bẫy lươn cũng lắm công phu
Anh Trương Văn Nghị, một “thợ săn lươn” lâu năm cho biết: “Bẫy lươn được làm bằng một ống nứa dài khoảng 70 cm, đường kính khoảng 4 – 5 cm, một đầu bịt kín (đoạn đầu mặt của ống nứa) có khoan một lỗ nhỏ để thông hơi, đầu còn lại được cài, gắn rời bởi hom tre (hom đan hình phễu sao cho lươn chui vào không ngược trở ra được). Ngày nay, ống lươn được cải tiến, làm bằng ống nhựa với ưu điểm nhẹ, dễ chế tạo, không nứt vỡ do thời tiết. Mồi để bẫy lươn được làm từ giun đất băm nhỏ, trộn nhuyễn với đất sét pha cát thành thứ hồ dẻo, phết bên trong miệng ống sau đó mới cài hom vào. Mỗi người thợ có những bí quyết riêng trong cách chế biến mồi để dụ lươn vào bẫy”.

“Nghề bẫy lươn dễ học, ai cũng có thể làm nhưng để kiếm sống được bằng nghề này thì cần chịu khó quan sát tỉ mỉ, và cần chút may mắn, chút “duyên” với nghề”, anh Nghị cho biết thêm. Người mới vào nghề thường được hướng dẫn, kèm cặp bởi những người thạo nghề, vừa làm vừa học hỏi chỉ khoảng nửa tháng là có thể tự làm được. Ống lươn được đặt nghiêng khoảng 15 – 30 độ so với mặt nước, phần đầu chứa hom mồi chúi xuống nước, phần thông hơi để nhô khỏi mặt nước khoảng 5 - 10 cm (tránh lươn chui vào bị ngạt chết). Theo chia sẻ của người trong nghề, để “săn” được nhiều lươn to, quan trọng nhất là việc chọn địa điểm đặt ống. Lươn là loài cá da trơn, thường sống ở vùng ao chuôm rậm rạp, hay mương máng, ruộng đồng có lớp bùn dày… Người thợ đặt bẫy lươn nắm được điều này, cộng thêm kinh nghiệm từ thực tiễn để tìm những điểm đặt ưng ý nhất.

Một điều đáng nể của “thợ săn lươn” là trí nhớ, khả năng đánh dấu tài tình. Ở thôn An Lộc, thường xuyên có khoảng 30 người đi đặt bẫy lươn, người ít nhất cũng có khoảng 100 ống đặt ở khắp nơi nên việc nhớ sơ đồ, vị trí ống lươn mà mình đã đặt quả không đơn giản, nhất là với những người mới vào nghề. Anh Vũ Văn Ánh, mới đi đánh lươn được hơn nửa năm cho biết: “Lúc mới tập, mình chỉ đặt khoảng 50 ống ở quanh thôn, nhưng hầu như ngày nào cũng bỏ sót gần chục ống, tốn thêm một khoản mua ống mới. Nhưng khi đã thạo nghề, thì gần như không bao giờ bị mất ống do quên điểm đặt”.

Trước kia, khi lươn còn sẵn chưa bị tận diệt bởi kích điện, lưới điện, thuốc trừ sâu… người đặt bẫy lươn ở đây chỉ cần đặt ống lươn ở các xã lân cận cũng thu được số lượng lớn. Nhưng ngày nay, nhu cầu tiêu thụ lươn tăng lên, thịt lươn trở thành đặc sản trong các quán ăn, nhà hàng, số người đi bẫy lươn tăng theo thì loài này càng trở lên khan hiếm. Người đánh lươn phải dong duổi, đặt ống trên khắp các cánh đồng, ao chuôm sang cả các huyện, tỉnh bạn mới mong bẫy được nhiều và lươn to hơn…

Anh Nguyễn Văn Chương, Ngô Văn Thực thường xuyên đi đánh lươn ở Nam Định, Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi thường đặt ống ở xa, nên việc chuẩn bị mồi, vào mồi thường được tiến hành sớm hơn thường lệ, khoảng 1 – 2 giờ chiều thì xuất phát. Đặt hết hơn trăm ống lươn trở về nhà thì trời cũng nhá nhem tối. Hôm sau phải dậy từ 4 – 5 giờ sáng để đi thu ống, số lươn thu được sẽ tập trung ở một địa điểm và có thương lái đến mua ngay trong buổi sáng”.

Thành quả thu được của một ngày lao động.

Theo kinh nghiệm của người thợ đánh lươn, lươn bẫy được từ tự nhiên có màu nâu đất hoặc vàng nhạt, thịt chắc, thơm và bổ dưỡng nên được giá hơn lươn nuôi. Mùa lươn cao điểm là mùa mưa, khi ao chuôm, mương máng… không bị cạn nước. Thời điểm đó, mỗi người có thể thu được 4 – 6 kg lươn/ngày, bán với giá 70.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại to, nhỏ. Dịp cuối năm, thời tiết lạnh và hanh khô, lươn thường có thói quen ngủ đông, nên lượng lươn thu được cũng giảm đáng kể. Mỗi người thu được khoảng 2 – 3 kg/ngày; bù lại giá bán tăng lên 100.000 – 120.000/kg. Trừ chi phí xăng xe, đi lại thu nhập mỗi ngày được khoảng 200.000 – 300.000 đồng.

Những hiểm nguy rình rập
Theo chia sẻ của người trong nghề, khi làm nghề cần cảnh giác nhất là rắn. Đã có nhiều trường hợp khi thu ống lươn, có rắn chui vào ống, khi đổ ra không đề phòng nên bị rắn cắn. Anh Nguyễn Văn Chương cho biết: “Mỗi khi đi làm, chúng tôi đều phải trang bị đầy đủ quần liền ủng bằng cao su vừa đề phòng rắn, vừa tránh mảnh chai, sành…”. Một mối lo rất lớn với người bẫy lươn là khi đặt ống có kẻ rình xem rồi lấy trộm hết ống và lươn trong ống trước khi trời sáng, thì công sức bỏ ra coi như mất trắng. Đặt xong ống và trở về nhà khi trời tối, trên chặng đường xa cũng ẩn chứa những nguy hiểm. Nhiều trường hợp người bẫy lươn bị kẻ gian xin tiền, trấn xe hay lấy hết đồ nghề ở nơi đất khách quê người, “thân cô, thế cô” nên họ chỉ biết im lặng để còn có đường kiếm ăn. Theo chia sẻ của người bẫy lươn, gần đây họ thường đi theo nhóm từ 2 – 3 người, để tiện giúp đỡ nhau khi cần thiết.

Giống như những “thân cò” lặn lội sớm hôm, ngày qua ngày người thợ bẫy lươn vẫn lam lũ mưu sinh. Tuy vất vả, lấm lem bùn đất, nhưng bẫy lươn là công việc chính đáng, tạo nguồn thu nhập của nhiều gia đình.

Nguyễn Thơi

  • Từ khóa