Thứ 2, 01/07/2024, 13:10[GMT+7]

Phân loại rác thải tại nguồn ở xã Phúc Khánh

Thứ 4, 29/05/2024 | 21:13:19
2,054 lượt xem
Việc phân loại rác thải tại nguồn được triển khai hiệu quả ở từng gia đình trên địa bàn xã Phúc Khánh (Hưng Hà) đã góp phần giảm lượng rác thải, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải, xử lý rác thải khoa học, hiệu quả hơn.

Làng quê Phúc Khánh sạch đẹp nhờ thực hiện hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn.

Tại xã Phúc Khánh, việc phân loại và xử lý rác thải ngay tại gia đình ngày càng trở nên phổ biến. Từ khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã phát động mô hình phân loại rác thải tại nguồn, bà Phạm Thị Lệ, thôn Sòi 1 đã thực hiện hiệu quả và duy trì thói quen phân loại, xử lý rác thải tại gia đình. Rác thải là chất vô cơ (chai nhựa, lon bia, giấy vụn...) được để vào một thùng để bán tái chế; những loại rác thải sinh hoạt hữu cơ như vỏ trái cây, rau, lá cây, thức ăn thừa được cho vào một thùng khác dùng làm thức ăn cho cá hoặc ủ thành phân bón cho cây ăn quả; thùng còn lại để chứa rác thải sinh hoạt không tái chế được. 

Bà Lệ cho biết: Gia đình tôi có 4 người, hàng ngày lượng rác thải sinh hoạt tương đối nhiều. Trước đây, gia đình tôi hay để rác chung vào các túi nilon treo ngoài cổng để tổ thu gom rác đi thu gom, rất mất vệ sinh. Từ ngày được Chi hội Phụ nữ thôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn phân loại rác thải ngay tại gia đình, tôi thấy rất gọn gàng, sạch sẽ, rất hiệu quả. Phân loại rác thải vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa có thể giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, ý thức của các thành viên trong gia đình cũng thay đổi rõ rệt. 

Từ nhiều năm nay, bà Phạm Thị Đượm, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Sòi 2 đã duy trì việc phân loại rác thải tại gia đình. Bà vận động chị em trong thôn thực hiện việc phân loại rác, tận dụng và biến rác thải sinh hoạt tái chế thành những việc làm ý nghĩa. Bà Đượm cho biết: Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được triển khai thực hiện rất ý nghĩa. Các hộ dân trong toàn xã có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan, môi trường, giảm lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày, tận dụng biến rác thải thành tiền. Năm 2023, thôn Sòi 2 thu được trên 1,3 triệu đồng từ việc bán rác thải tái chế, hỗ trợ tiếp sức đến trường cho 5 học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn. 

Xã Phúc Khánh có 1.826 hộ với 5.870 nhân khẩu, lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày rất lớn. Trước đây, khi người dân chưa biết cách phân loại rác thải, đường làng, ngõ xóm xuất hiện nhiều bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom, xử lý rác thải của tổ thu gom rác cũng gặp nhiều khó khăn, mất thời gian hơn cho việc phân loại tại bãi tập kết. 

Bà Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Chúng tôi đã thực hiện hiệu quả mô hình biến rác thải thành tiền giúp phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, nhiều địa phương đã triển khai và thực hiện hiệu quả mô hình phân loại rác thải tại nguồn. 

Hội LHPN xã đã tham mưu cấp ủy, chính quyền xã triển khai mô hình này, phối hợp với Hội LHPN huyện Hưng Hà tổ chức tập huấn giúp người dân hiểu được ý nghĩa của việc phân loại rác thải. Ngay từ khi triển khai, mô hình đã thu hút sự tham gia tích cực của người dân, 100% người dân trong xã hưởng ứng, 6/6 thôn thực hiện việc phân loại rác thải, lượng rác thải đã giảm 30% so với trước. Đơn vị thu gom và bãi xử lý rác thải cũng giảm được áp lực, từ chỗ thu gom rác hàng ngày đến nay được thực hiện vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Hội LHPN xã được cấp trên hỗ trợ 120 triệu đồng, UBND xã hỗ trợ 10 triệu đồng thực hiện mô hình. Toàn xã hiện có 1.560 thùng chuyên dụng chứa rác để thu gom và xử lý rác thải tại nguồn. 

Việc thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại nguồn của các gia đình trên địa bàn xã Phúc Khánh mang lại hiệu quả cao. Người dân đã thay đổi thói quen bỏ tất cả các loại rác vào lẫn với nhau. Mặt khác, thực hiện phân loại và xử lý rác thải ngay tại gia đình đã giảm tải cho các bãi rác tập trung, giảm chi phí xử lý rác thải, đồng thời tái sử dụng nguồn rác thải hữu cơ làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, từ đó hạn chế việc sử dụng phân hóa học, giảm ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường; rác thải tái chế góp phần tạo nên những việc làm ý nghĩa, thiết thực hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phúc Khánh hướng dẫn người dân phân loại rác thải sinh hoạt.

Hà Tuyết