Thứ 2, 08/07/2024, 11:10[GMT+7]

Nhiều vấn đề nóng được làm rõ (Kỳ 3)

Thứ 2, 13/01/2020 | 10:09:19
1,782 lượt xem

Nạo vét, khơi thông dòng chảy khắc phục ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình).

Kỳ 3: Sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc

Chất vấn đồng chí Nguyễn Xuân Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, đại biểu Lê Hồng Sơn (tổ Hưng Hà) đề nghị trả lời nội dung: Theo phản ánh của cử tri, hiện nay sông Đoan Túc (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình) bị ô nhiễm rất nặng nề do nước thải của một số nhà máy trong cụm công nghiệp (CCN) Phong Phú và nhà máy xử lý rác thải phường Tiền Phong thải ra; ý kiến cử tri có đúng hay không; thực trạng của vấn đề trên và giải pháp của ngành trong thời gian tới? 


Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Xuân Khánh cho biết: Ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước hết do hạ tầng thu gom, xử lý nước thải của CCN Phong Phú chưa đồng bộ, hoàn chỉnh. CCN này không đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý nước thải phát sinh cho các doanh nghiệp thứ cấp; việc đầu tư hạ tầng thu gom, trạm bơm trung chuyển nước thải về trạm xử lý tại khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh chưa hoàn thiện; mới có 39 cơ sở được thu gom, còn 14 cơ sở chưa được đấu nối nước thải về xử lý tập trung; nước thải từ các doanh nghiệp chưa được xử lý đạt quy chuẩn chảy ra sông Đoan Túc, điển hình là một số cơ sở sản xuất tại Công ty Cổ phần 658. Thêm vào đó, sông Đoan Túc là nguồn tiếp nhận nước thải sinh hoạt của nhân dân, hộ kinh doanh dịch vụ tại các tổ 3, 4, 5, 6, 7, 8, 15 phường Tiền Phong và một bộ phận cư dân xã Phú Xuân. Tại khu vực này chưa có hệ thống thu gom nước thải của dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thu gom thoát nước thành phố, hầu hết nước thải là nước sinh hoạt, dịch vụ... chỉ được xử lý sơ qua bể tự hoại hoặc song chắn rác, sau đó thải ra sông gây ô nhiễm. Con sông này cũng là nơi tiếp nhận chất ô nhiễm từ nước mưa tràn ở khu vực và một phần nước mưa chảy tràn qua nhà máy rác thải phường Tiền Phong. 


Từ 3 nguồn ô nhiễm nêu trên kết hợp việc sông Đoan Túc là sông tiêu, lòng sông ít được khơi thông, nạo vét, kè bờ, rác thải xả trực tiếp ra sông... khiến lòng sông bị bồi lắng, bờ sông bị co hẹp ảnh hưởng nhiều đến dòng chảy, kết hợp chế độ thủy văn không cố định, rõ ràng, chỉ khi mực nước sông Trà Lý lớn, cống Nhân Thanh mở nước từ sông Trà Lý chảy vào sông Đoan Túc nhưng do điểm cuối tại cầu Mùa có độ cao lớn hơn dẫn đến nước sông không được thường xuyên thau rửa, lượng nước bị lưu giữ tù đọng làm khả năng phân hủy, xử lý tự nhiên của dòng sông thấp, chất ô nhiễm tích tụ lâu ngày phát sinh mùi hôi, nước có màu đen, ô nhiễm môi trường. Kết quả quan trắc, phân tích chất lượng nước sông cho thấy có 11 thông số  không đạt quy chuẩn chất  lượng nước mặt. 


Để giải quyết  tình trạng ô nhiễm môi trường các tuyến sông trên địa bàn thành phố nói chung, sông Đoan Túc nói riêng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, đôn đốc, phối hợp với các sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Công an tỉnh, UBND thành phố Thái Bình tăng cường thực hiện các nhiệm vụ do  UBND tỉnh giao nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại các tuyến sông trên địa bàn thành phố; tổ chức rà soát, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm; lấy mẫu quan trắc, giám sát đột xuất nước thải, khí thải tại một số cơ sở khu vực này. Từ ngày 17/10/2019 đến ngày 2/12/2019 đã tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường đối với 9 cơ sở tại phường Tiền Phong phát hiện một số vi phạm về nước thải, Sở Tài nguyên và Môi trường đang trưng cầu giám định chất lượng môi trường, hoàn chỉnh hồ sơ, thông báo kết luận kiểm tra để có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định; tổ chức rà soát, giám sát việc xả nước thải đối với 18 cơ sở nằm ven các tuyến sông trên địa bàn thành phố; tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kiểm tra, xử lý. Sở cũng đã cử lực lượng tăng cường đi kiểm tra thực tế tại các tuyến sông trên địa bàn thành phố, kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến xả nước thải không đúng quy định; kịp thời xuống hiện trường nắm bắt, xử lý phản ánh, kiến nghị của cử tri, nhân dân qua đường dây nóng; tích cực phối hợp với UBND thành phố, phường Tiền Phong và các đơn vị có liên quan trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc. 


Tuy đã thực hiện nhiều giải pháp song đến nay tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để. Vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND thành phố Thái Bình phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự án nạo vét, thau rửa, kè bờ, khơi thông dòng chảy sông Đoan Túc đoạn từ cống Nhân Thanh đến điểm giao đường Lý Bôn (phường Tiền Phong) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bố trí kinh phí xây dựng, hoàn chỉnh hạ tầng thu gom nước thải cụm công nghiệp Phong Phú. Phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho Đội Thanh tra, trật tự đô thị trong việc kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường liên quan đến việc tập kết, thu gom, xử lý chất thải rắn thông dụng và việc xả nước thải ra các tuyến sông trên địa bàn thành phố; xử lý hành vi vi phạm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định; mở rộng phạm vi thu gom, xử lý của hệ thống thu gom, xử lý nước thải thành phố; thành lập tổ công tác, giám sát tình trạng ô nhiễm môi trường nước sông Đoan Túc có sự tham gia của nhân dân khu vực; nghiên cứu, lắp đặt camera theo dõi việc xả nước thải, rác thải tại các tuyến sông, vị trí nhạy cảm để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm, gây ô nhiễm môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh giấy phép xả nước vào công trình thủy lợi cho phù hợp với thực tế; công khai vị trí cửa xả để cơ quan chức năng, nhân dân kiểm tra, giám sát; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện giấy phép xả thải ra hệ thống công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh và gửi các ngành có liên quan để quản lý, giám sát…


Đồng chí Nguyễn Xuân Khánh cũng cho biết: Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ theo dõi, đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh; đôn đốc UBND thành phố khẩn trương hoàn thiện dự án nạo vét, thau rửa, kè bờ, khơi thông dòng chảy sông Đoan Túc, hoàn thiện hạ tầng thu gom nước thải CCN Phong Phú. Chủ động rà soát các cơ sở có khối lượng tiêu thụ nước lớn trên địa bàn thành phố, tham mưu cấp có thẩm quyền quyết định thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Nắm bắt, xử lý phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến xả nước thải không đúng quy định; đồng thời, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và UBND thành phố Thái Bình, phường Tiền Phong xử lý ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc. Sở cũng sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc nhà đầu tư sớm triển khai dự án đốt rác phát điện 300 tấn/ngày để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước rác phát sinh. 


Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hồng Sơn về tình trạng ô nhiễm môi trường sông Đoan Túc, đồng chí Nguyễn Ngọc Ý, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường sông  Đoan Túc, UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị rà soát, điều chỉnh quy trình xử lý rác, tăng cường xử lý đốt rác, giảm thời gian lưu trữ rác, hạn chế chôn lấp rác hữu cơ tại nhà máy. Bố trí kinh phí và giao cho Công ty khảo sát hiện trạng, lập phương án tổ chức nạo vét, khơi thông dòng chảy sông Đoan Túc. UBND thành phố cũng đã làm việc với các sở, ngành, doanh nghiệp có liên quan thống nhất điều chỉnh, phân tách nguồn xả thải hoặc nghiên cứu điều chỉnh vị trí xả thải của Công ty TNHH Dệt nhuộm xuất khẩu Thăng Long và Công ty TNHH Dệt may xuất khẩu Thành Công để thuận lợi cho các cơ quan chức năng và người dân trong việc kiểm tra, giám sát. Đến nay, 2 công ty này đã hoàn thiện các thủ tục và đang triển khai lắp đặt đường ống riêng để xả thải ra sông Bồ Xuyên theo giấy phép thi công của UBND thành phố. UBND thành phố cũng đã quy hoạch điều chỉnh dòng chảy từ sông Đoan Túc đấu nối trực tiếp với sông Nhân Thanh, không chảy qua khu vực bãi chôn lấp rác thải nhà máy; hoàn thành việc điều chỉnh, đấu nối hệ thống thoát nước ngõ 14, đường Bùi Sĩ Tiêm vào hệ thống thu gom nước thải của thành phố, không xả ra sông Đoan Túc. Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành xử lý nghiêm các trường hợp xả thải gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện để xử lý kịp thời các trường hợp xả thải không đúng quy định. UBND thành phố đề nghị HĐND tỉnh giám sát hoạt động của nhà máy xử lý rác thải thành phố để có biện pháp đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống thiết bị, công nghệ cũ, xuống cấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

(còn nữa)
Nguyễn Hình - Thu Hiền