Thứ 4, 03/07/2024, 11:26[GMT+7]

“Báu vật sống” của nghệ thuật truyền thống

Thứ 4, 22/01/2020 | 17:51:40
4,270 lượt xem
Năm 2019, Thái Bình có 15 nghệ sĩ, nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), trong đó có NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền (thành phố Thái Bình), NNƯT Bùi Văn Ro, làng Khuốc, xã Phong Châu và NNƯT Phạm Đình Viêm, phường rối nước xã Đông Các (Đông Hưng). Đây là những người có đóng góp quan trọng trong sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian.

Nghệ nhân Ưu tú Bùi Văn Ro, làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) thành công với những vai lão trong chèo.

“Bà bảy túi” trong làng chèo

Nổi danh từ những năm 1980 với nhiều vai diễn đi vào lòng khán giả như vai quận chúa Anh Nguyên, Tấm, Ỷ Lan, Ni cô làng Vân, Thị Màu... nhưng ít ai biết được nghệ sĩ Thúy Hiền sinh ra trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Vốn chèo nghệ sĩ Thúy Hiền tích lũy được trong những năm tháng ở quê nhà xã Lê Lợi (Kiến Xương) là từ đội văn nghệ của thôn. Hàng ngày, được nghe hát và xem các cô chú, anh chị trong đội văn nghệ thôn biểu diễn, Thúy Hiền dần thuộc những làn điệu chèo và đam mê từ bao giờ không hay. Năm 1963, Nguyễn Thị Thúy Hiền trúng tuyển vào Đoàn Chèo Thái Bình khi mới 17 tuổi. Thời kháng chiến, cuộc sống khó khăn nên mức thu nhập của người nghệ sĩ cũng hạn hẹp nhưng đáp lại họ nhận được sự ủng hộ của người dân. Mỗi đêm diễn dường như là một đêm hội với người nghệ sĩ và với nghệ sĩ Thúy Hiền cũng vậy.

NSND Thúy Hiền chia sẻ: Cho đến nay, tôi vẫn luôn tự hào rằng bản thân mình được tôi luyện trong những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh điều kiện vật chất thiếu thốn ấy, những người nghệ sĩ chúng tôi phải tự học hỏi, trau dồi chuyên môn từ lớp nghệ sĩ đi trước để trưởng thành. Thời ấy, lịch diễn của chúng tôi rất dày, thường xuyên biểu diễn tại cơ sở. Nếu không có tài năng, tâm huyết thì khó có thể bám trụ với nghề và để lại ấn tượng trong lòng khán giả yêu nghệ thuật. Tôi thường được các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn gọi là “bà bảy túi” bởi sau khi diễn, người dân mến mộ thường gói cho củ khoai, bơ gạo hay túi đỗ...

Nhìn lại quãng đường hoạt động nghệ thuật của mình, NSND Thúy Hiền vẫn tâm đắc nhất vai Thị Màu. Dù lúc ấy, nghệ sĩ không tự tin khi nhận vai song được sự động viên của chồng là NSND Văn Mởn, bà đã thành công. Với tài năng và niềm đam mê nghệ thuật, nghệ sĩ Thúy Hiền được lựa chọn để đi biểu diễn ở các nước Tây Âu, Đông Âu. Bà cũng là một trong những diễn viên được phong tặng danh hiệu NSƯT sớm so với các diễn viên, nghệ sĩ trong cả nước. Về hưu, NSND Thúy Hiền vẫn chưa nghỉ ngơi. Bà tiếp tục cộng tác với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để giảng dạy cho thế hệ trẻ. Sự truyền dạy của nghệ sĩ Thúy Hiền và Văn Mởn đã giúp nhiều nghệ sĩ thành công như Thúy Hà, Thanh Hiện, Hoài Thu... Hiện nay, tuổi đã cao nhưng NSND Thúy Hiền vẫn mong muốn được truyền dạy cho nhiều người để giữ gìn, bảo lưu, phát triển môn nghệ thuật truyền thống bởi với bà đó là niềm vui tuổi già.

Những vai “lão” trong chèo

Có nhiều đóng góp cho nghệ thuật chèo nhưng NNƯT Bùi Văn Ro không đứng trên các sân khấu chuyên nghiệp. Sân diễn của ông là nơi dành cho những nghệ sĩ không chuyên. Thế nhưng, không vì thế mà tên tuổi của ông ít được biết đến. Mỗi khi nhắc tới chèo làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng) nhiều người thường nhắc và tìm đến ông, trong đó có các nghệ sĩ nổi tiếng như Tự Long, Xuân Hinh, Thanh Ngoan... Bởi ông là một trong số ít người ở làng Khuốc còn giữ và biết hát được một số làn điệu chèo cổ của làng như: điệu hà vị, đắp chăn trời, tuyết giật sông thương, bay bổng... Các vai diễn của NNƯT Bùi Văn Ro thường là những vai chính và ông đặc biệt thành công với vai lão. Bên cạnh đó, ông còn là chủ nhiệm câu lạc bộ chèo làng Khuốc.

Biết hát chèo từ năm 14 tuổi, NNƯT Bùi Văn Ro được người bác họ truyền dạy từ bé theo hình thức truyền khẩu. Ông còn tự học từ các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên của làng. Niềm đam mê đã mang đến thành công cho người nghệ nhân. Năm 18 tuổi, nghệ nhân Bùi Văn Ro đạt huy chương vàng tại hội diễn nghệ thuật sân khấu quần chúng tỉnh. Những năm tháng sau đó, ông nhận được nhiều huy chương và bằng khen, kỷ niệm chương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

NNƯT Bùi Văn Ro chia sẻ: Tôi sinh ra ở làng Khuốc. Bởi vậy, niềm đam mê nghệ thuật chèo ngấm vào máu từ lúc nào cũng không hay. Diễn chèo, có những lúc một mình tôi phải đảm nhận ba vai. Tuy nhiên, đây không phải là khó khăn duy nhất với người nghệ sĩ không chuyên. Thù lao thấp nên nhiều khi phụ kiện và đạo cụ đi kèm phải tự chế. Để chuẩn bị hóa trang cho vai lão của mình, tôi đã phải đến quán cắt tóc để xin những cọng tóc rối về làm râu. Có một vai diễn thành công, cụ thể như vai lão, người nghệ nhân phải dày công tìm hiểu tính cách, ngoại hình nhân vật và phải chọn lọc những biểu cảm đặc trưng về người già từ thực tiễn đời sống để áp dụng vào vai diễn.

Khó là vậy, vất vả là vậy thế nhưng vì tình yêu và cả trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống của quê hương, được mọi người tin tưởng giao phó vị trí chủ nhiệm câu lạc bộ, NNƯT Bùi Văn Ro luôn nỗ lực để gìn giữ, phát huy các giá trị của nghệ thuật chèo mà cha ông để lại. Hiện nay, ông vẫn đau đáu nỗi lo sợ chèo làng Khuốc bị mai một. Vì thế, người nghệ nhân đã gần tuổi thất thập vẫn cố gắng truyền dạy cho các cháu nhỏ chỉ mong nghệ thuật truyền thống sống mãi với thời gian.  

Người tạo hình cho những quân rối

Nhắc đến NNƯT Phạm Đình Viêm, các nghệ nhân phường rối nước xã Đông Các thường nói về khả năng tạo hình quân rối của ông. Đây là việc khó, đòi hỏi kỹ thuật mà ít người trong phường rối có thể làm được. Những quân rối biểu diễn thường làm bằng gỗ, việc biểu diễn dưới nước thường xuyên khiến cho quân bị ngấm nước, mục hỏng. Vì thế, sau một thời gian sử dụng phải thay thế những quân rối mới. Song để tạo hình, làm mới một quân rối không hề đơn giản.
NNƯT Phạm Đình Viêm cho biết: Thời xưa, để làm một quân rối rất kỳ công. Quân rối thường được làm bằng gỗ sung. Sau khi đục quân, moi ruột, hơ lửa, đánh nhẵn phải qua 7 lần sơn. Hiện nay, việc tạo hình cho quân rối đã đơn giản hơn nhưng đòi hỏi mỗi quân rối phải thể hiện được tính cách nhân vật vẫn là một yêu cầu bắt buộc không thể bỏ qua. Khi biểu diễn, cử chỉ của quân rối phải linh hoạt từ những động tác nhỏ nhất như lắc đầu, vẫy tay... Những quân rối làm mất nhiều thời gian nhất là quân thị màu, quân đu, trống cơm, kéo nhị. Để các quân rối cử động linh hoạt, người nghệ nhân phải biết bố trí các điểm, tạo khớp cho quân.

56 năm hoạt động trong phường rối, đến nay, NNƯT Phạm Đình Viêm không nhớ nổi số quân rối ông đã tạc bởi hàng năm, tùy theo lượng quân rối hỏng, cần bổ sung ông sẽ làm. Thực hiện công đoạn tạo quân, trước hết nghệ nhân Phạm Đình Viêm sẽ vẽ hình quân rối trên giấy để các nghệ nhân trong phường dựa vào để tạc phần thô. Những chi tiết khó như mắt, mũi hay các đường nét khác... ông phải tự tay làm. Chất liệu gỗ tạc quân chủ yếu là gỗ mỡ, gỗ dổi có đặc tính nhẹ, đỡ hút nước. Sau khi tạc thô, các nghệ nhân sẽ đục bên trong quân rối sao cho quân nhẹ, dễ nổi.

Cùng với múa rối nước xã Nguyên Xá, hiện nay, múa rối nước xã Đông Các đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đóng góp vào kết quả chung này có vai trò của NNƯT Phạm Đình Viêm. Ông luôn tự hào bởi loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này được các nghệ nhân xã Đông Các gìn giữ từ lúc kinh tế khó khăn cho đến ngày nay. Người nghệ nhân tâm huyết vẫn sẽ cùng các nghệ nhân trong phường đưa nghệ thuật múa rối nước truyền thống tới công chúng.

HOÀNG LANH

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)