Thứ 2, 08/07/2024, 13:00[GMT+7]

Robot của Apple 'đập' máy iPhone cũ ra sao?

Thứ 2, 03/02/2020 | 17:30:23
1,035 lượt xem
Người khổng lồ công nghệ Mỹ đang tìm cách thay đổi cách tái chế rác thải điện tử bằng một robot có khả năng "xé", “đập” những chiếc iPhone để thu hồi các kim loại, vật liệu quí hiếm bên trong nhằm tái sử dụng.

Những chiếc vỏ iPhone sau khi được robot Daisy "đập máy" tại cơ sở của Apple ở Austin, bang Texas. Ảnh: Reuters

Apple cho biết, robot Daisy là một phần trong kế hoạch của hãng nhằm trở thành nhà sản xuất “khép kín quy trình tái chế”, qua đó không phải lệ thuộc vào ngành công nghiệp khai thác mỏ.  Tuy vậy mục tiêu táo bạo này được một số nhà phân tích đánh giá là bất khả thi.

Bên trong một nhà kho ở ngoại ô thành phố Austin, bang Texas, robot Daisy của Apple làm nhiệm vụ tháo dỡ những chiếc iPhone để sau đó 14 loại khoáng chất, bao gồm cả lithium, có thể được chiết xuất và tái sử dụng.

Apple hiện đã sử dụng cobalt, thiếc, nhôm và đất hiếm tái chế trong một số sản phẩm, và dự kiến sẽ mở rộng danh sách này những năm tới.

Robot Daisy, với toàn bộ chiều dài khoảng 18 mét, sử dụng một quy trình 4 bước nhằm loại bỏ pin của iPhone bằng vụ nổ khí ở -80 độ C, làm bật ra các ốc vít và mô-đun, bao gồm cả màn hình chạm rung.

Các bộ phận sau đó được gửi đến cơ sở tái chế để chiết xuất và tinh chế khoáng chất. Daisy có thể tháo dỡ 200 chiếc iPhone mỗi giờ. Theo Apple, năm 2017, robot này đã xử lý 1 triệu chiếc iPhone tại cơ sở ở Austin.

Bà Lisa Jackson, người phụ trách mảng môi trường, chính sách và các sáng kiến xã hội của Apple, cho biết hãng đã chọn iPhone là sản phẩm đầu tiên được Daisy tháo gỡ vì mức độ phổ biến của điện thoại này

Các bộ phận được tháo dỡ từ iPhone. 

Các mô-đun camera của iPhone. Ảnh: Reuters 

Apple đang xem xét chia sẻ công nghệ Daisy với những công ty khác, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô điện.

Tuy vậy Daisy vẫn gây hoài nghi từ nhiều người trong thế giới công nghệ, vốn chỉ coi đây như một công cụ PR của hãng.

Kyle Wiens, Giám đốc điều hành của iFixit, một công ty chuyên sửa chữa thay vì loại bỏ iPhone và các thiết bị điện tử khác, nhận xét: "Họ tin rằng có thể lấy lại tất cả các khoáng chất của mình, nhưng điều đó không thể xảy ra". Điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao ngành công nghiệp khai mỏ không phải vội lo lắng.

“Apple đang ở một vị thế tuyệt vời, bởi  họ có thể làm điều này”, ông Tom Butler, Chủ tịch Hội đồng quốc tế về khai thác kim loại, cho biết. “Không phải ai khác cũng có thể làm theo”.

Chiết xuất kim loại từ các thiết bị điện tử cũ là một trong những ưu tiên của Apple. Ảnh: Reuters 

Nhiều giám đốc điều hành ngành khai thác mỏ cũng lưu ý rằng, cùng với việc xe điện ngày càng phổ biến, thế giới sẽ cần đến nhiều loại khoáng sản ở quy mô lớn hơn. Đây là một thực tế mà Apple cũng thừa nhận. “Chúng tôi không cạnh tranh với các nhà khai thác mỏ. Họ không có gì phải lo ngại về sự phát triển này”, ông Jackson, cựu Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ thời Tổng thống Obama, hiện làm việc cho Apple, phát biểu. 

Theo baotintuc.vn