Thứ 4, 03/07/2024, 09:22[GMT+7]

Bão Mặt Trời mạnh nhất 20 năm tấn công Trái Đất

Thứ 2, 13/05/2024 | 15:36:12
949 lượt xem
Bão Mặt Trời cấp G5, cơn bão đầu tiên thuộc cấp này từ năm 2003, có thể tác động đến tàu vũ trụ, lưới điện, sinh vật trên Trái Đất.

Bão Mặt Trời mạnh nhất hơn hai thập kỷ tấn công Trái Đất hôm 10/5, tạo ra những màn trình diễn ánh sáng cực quang ngoạn mục trên bầu trời, nhưng cũng mang đến nguy cơ làm gián đoạn các vệ tinh và lưới điện khi bão kéo dài đến cuối tuần, AFP hôm nay đưa tin.

Vụ đầu tiên trong số các vụ phun trào nhật hoa (CME) - hiện tượng plasma và từ trường phóng ra từ Mặt Trời - diễn ra ngay sau 23h hôm 10/5 (giờ Hà Nội), theo Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA).

Sau đó, hiện tượng này nâng cấp thành một cơn bão địa từ cực mạnh cấp G5 - cơn bão đầu tiên thuộc cấp này kể từ Bão Halloween diễn ra vào tháng 10/2003 gây mất điện ở Thụy Điển và làm hư hại cơ sở hạ tầng điện ở Nam Phi. Trong những ngày tới, dự kiến có thêm nhiều CME tấn công hành tinh xanh.

Mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh cực quang từ Bắc Âu và châu Đại Dương. Trong khi đó, các nhà chức trách thông báo cho những công ty vận hành vệ tinh, hãng hàng không và lưới điện thực hiện biện pháp phòng ngừa sự gián đoạn do thay đổi từ trường Trái Đất.

Khác với lóa Mặt Trời di chuyển với tốc độ ánh sáng và đến Trái Đất trong khoảng 8 phút, CME di chuyển chậm hơn. Các nhà chức trách cho biết, tốc độ trung bình hiện tại là 800 km mỗi giây. Các CME này phát ra từ cụm vết đen Mặt Trời khổng lồ AR3664 rộng gấp hơn 15 lần Trái Đất. Mặt Trời đang tiến dần đến đỉnh điểm của chu kỳ hoạt động 11 năm, do đó hoạt động rất mạnh.

Cụm vết đen Mặt Trời AR3664 so với cụm vết đen gây ra Sự kiện Carrington năm 1859. Ảnh: NASA

Cụm vết đen Mặt Trời AR3664 so với cụm vết đen gây ra Sự kiện Carrington năm 1859. Ảnh: NASA

Các tác động sẽ được cảm nhận phần lớn ở những vĩ độ phía bắc và phía nam của Trái Đất, nhưng việc trải dài đến đâu phụ thuộc vào sức mạnh cuối cùng của cơn bão, theo Mathew Owens, giáo sư vật lý vũ trụ tại Đại học Reading, Anh. "Lời khuyên của tôi là tối nay hãy ra ngoài và thử quan sát vì nếu bạn thấy cực quang, cảnh tượng đó sẽ khá ngoạn mục", ông nói. Nếu có kính nhật thực, người quan sát cũng có thể thử tìm kiếm cụm vết đen Mặt Trời vào ban ngày.

Từ trường dao động gắn liền với bão địa từ sẽ tạo ra dòng điện trong các dây dẫn dài, bao gồm cả dây điện, có khả năng gây mất điện. Đường ống dài cũng có thể bị nhiễm điện, dẫn đến một số vấn đề kỹ thuật.

Tàu vũ trụ cũng gặp nguy hiểm với lượng bức xạ lớn, trong khi khí quyển giúp ngăn lượng bức xạ này ập xuống Trái Đất. NASA có một đội ngũ phụ trách đảm bảo an toàn cho phi hành gia và có thể yêu cầu phi hành đoàn trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) di chuyển đến những vị trí được bảo vệ tốt hơn trong trạm.

Bồ câu và những sinh vật có la bàn sinh học cũng có thể chịu ảnh hưởng. Theo Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, những người nuôi bồ câu nhận thấy số lượng chim trở về nhà giảm đi trong các cơn bão địa từ.

Các quan chức cho biết, người dân nên có phương án đề phòng mất điện như chuẩn bị sẵn đèn pin, pin và radio. Cơn bão địa từ mạnh nhất từng ghi nhận là Sự kiện Carrington xảy ra vào tháng 9/1859, được đặt theo tên nhà thiên văn học Anh Richard Carrington. Khi đó, dòng điện quá mức trên đường dây điện báo khiến các kỹ thuật viên bị điện giật, thậm chí khiến một số thiết bị điện báo bốc cháy. Cụm vết đen AR3664 đang có kích thước tương đương với cụm vết đen Mặt Trời gây ra Sự kiện Carrington.

Theo vnexpress.net