Thứ 4, 03/07/2024, 09:32[GMT+7]

Công nghệ thông tin với người khiếm thị cơ hội thay đổi cuộc sống

Thứ 2, 26/08/2019 | 09:23:03
2,708 lượt xem
Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu tiếp cận thông tin của người dân nói chung, người khiếm thị nói riêng ngày một tăng. Được coi là “đôi mắt” của người khiếm thị, công nghệ thông tin (CNTT) giúp người khiếm thị mở mang kiến thức, có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, từ đó vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Học viên làm bài tập trên máy vi tính dựa trên phần mềm hỗ trợ người khiếm thị.

Với mục đích phục vụ công việc, phục vụ việc học tập và nâng cao dân trí, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác hội. Đến nay, 100% cơ sở hội đã được trang bị hệ thống máy tính hiện đại có kết nối internet. Hội còn trang bị riêng 1 phòng máy vi tính để tổ chức các lớp đào tạo CNTT cho học sinh, phổ cập internet cho cán bộ, hội viên. Trung bình mỗi lớp học từ 10 - 15 học sinh với thời gian đào tạo khoảng 3 năm, tùy theo khả năng và trình độ của từng người. Sau khi được đào tạo, hầu hết học viên đều sử dụng thành thạo máy vi tính, nắm vững các kiến thức cơ bản về tin học. Đội ngũ cán bộ hội chủ động trong công tác soạn thảo văn bản, lưu trữ, quản lý thông tin phục vụ việc trao đổi tài liệu, văn bản, chế độ chính sách. Đã có nhiều học viên học xong lớp tin học đã tìm được việc làm ổn định. Vui mừng khoe thành tích của bản thân, em Chu Đình Tuân, xã Thụy Ninh (Thái Thụy) vừa làm nghề tẩm quất tại Hội Người mù tỉnh vừa theo học lớp đại học từ xa năm đầu tiên Khoa Luật kinh tế, Viện Đại học mở Hà Nội. Mặc dù bị khiếm thị cả hai mắt nhưng Tuân lại rất thành thạo các kỹ năng sử dụng máy tính. Tuân chia sẻ: Được sự tạo điều kiện của Hội nên giờ đây em đã có thể sử dụng thành thạo máy vi tính để thực hiện ước mơ học đại học của mình. Em sẽ cố gắng trau dồi hơn nữa các kỹ năng để hoàn thành tốt việc học, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cũng nhờ thuần thục các thao tác sử dụng máy vi tính nên việc soạn thảo văn bản, sao chép, tìm kiếm thông tin, in tài liệu đã được ông Bùi Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh thực hiện một cách dễ dàng. Ông Tuấn cho biết: Với sự hỗ trợ của các phần mềm đọc màn hình Jaws, phần mềm đọc tiếng Việt Sao Mai VN-Voice, chúng tôi có thể dễ dàng tiếp cận CNTT như những người bình thường. Qua đó chúng tôi có thể biết được những thông tin cần thiết và làm chủ hoàn toàn được máy vi tính. Mọi thông tin về hoạt động của Hội sẽ được chúng tôi trao đổi qua gmail hoặc các phần mềm giao tiếp khác, rất hữu ích và thuận tiện, khắc phục được khó khăn trong việc đi lại.

Có thể nói, hiệu quả của các lớp tin học văn phòng do Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề trực thuộc Hội Người mù tỉnh đem đến cho các học viên là rất lớn. Việc tiếp cận CNTT đã mở ra cánh cửa mới cho cuộc đời của những người khiếm thị, trở thành “đôi mắt” giúp họ mở mang kiến thức, hòa nhập cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít người khiếm thị chưa được tiếp cận CNTT do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu phương tiện sử dụng. Cơ sở vật chất của Hội còn nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người khiếm thị. Ông Bùi Anh Tuấn cho biết thêm: Hiện nay, Hội Người mù tỉnh đang tổ chức dạy cho 30 em học sinh ở hai hệ tiền hòa nhập và hòa nhập từ cấp I đến cấp III tại các trường: Tiểu học Lê Hồng Phong, THCS Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Đức Cảnh. Ở lớp, các em sử dụng chữ nổi Braille để ghi chép bài, còn việc trả bài tập về nhà cho giáo viên được thực hiện bằng máy vi tính và máy in. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của Hội hiện nay đã xuống cấp, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của các em. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm để giúp học sinh khiếm thị có được những công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả, động viên các em cố gắng vươn lên trong học tập, hòa nhập cộng đồng.

Thu Hoài

  • Từ khóa